Chạng vạng tối, mưa như trút nước. Mưa phủ kín mọi cảnh vật đang ngự trị trong khu vườn. Gió ngoài sông từng luồng thổi lồng lộng vào nhà ông Hai. Dưới mái nhà dột nát, nước mưa giăng ướt tứ tung, hai người đàn ông ngồi đối diện nhau. Mâm cơm độc nhất một tô canh rau vườn nấu với cá rô đồng. Ông Hai và ông Út vừa ăn vừa chuyện trò. Những câu chuyện họ nói thường là cũ rích, những chuyện đã xếp xó vào quá khứ. Vậy mà, ngày nào cũng vậy, họ lên mâm cơm là bắt đầu nói, nói như chưa từng được nói, nói để trút cạn nỗi ray rứt trong lòng. Người huyên thuyên nhất bao giờ cũng là ông Út. Bởi vì với ông Út, đây là dịp để ôn lại những gì đã trôi vào quá khứ. Tội nghiệp ông Hai phải cưu mang em mình trong lúc thất thế.
Năm mươi lăm tuổi, ông Út làm phó tổng giám đốc một công ty đang ăn nên làm ra. Vậy mà ông phải xin nghỉ hưu non. Mặc dù ông Út vẫn đủ sức khỏe làm việc. Cho nên, bạn bè nhìn ông thắc mắc, rồi họ dần xa lánh ông. Ông Út không một lời giải thích. Ông chỉ thấy mình quá mệt mỏi. Những chuyện đó đối với ông là tào lao. Ông thấy khó mà tìm được “chỗ đứng” trong các cuộc họp, mạnh ai nấy tranh luận sôi nổi, những vấn đề họ đưa ra toàn là quyền lợi của nhau. Người này móc nối với người kia. Cơ quan chia “thành bè thành phái” lúc nào chẳng ai hay. Những vấn đề đối với ông chẳng có tích sự gì cả.
Ngược lại đối với một số người khác, nó lại cấp bách trong việc tranh giành quyền lợi cho công ty và bản thân. Trong mọi vấn đề của công ty, ông Út thường đưa ra chủ trương, đường lối, chính sách, kế hoạch… Trong khi đó, người phán xét cuối cùng lại là tổng giám đốc. Ngày một ít, ông Út thấy mình đã bị là người thừa, ông không thua gì một hình nộm ra vào công ty. Ông cố tìm ra sáng kiến mới. Mọi người trong công ty bảo lạc hậu, không theo kịp thời đại. Vì những lần như vậy, tay tổng giám đốc trẻ vừa đi tu nghiệp nước ngoài về, lập tức bác bỏ ngay.
Ông Út muốn lui về quây quần với gia đình. Vì với ông lúc này, mái ấm gia đình là tất cả. Ông Út ao ước một cuộc sống bình dị cùng vợ con ở tuổi xế chiều, nhưng ông lại hoang mang đủ điều. Ông Út lo lắng nhất là cái nhìn của mọi thành viên trong gia đình. Ông Út ngồi nghiền ngẫm, liệu vợ con có xem ông là người thừa thãi không? Bây giờ, đối với ông người trong gia đình lại là một vấn đề rắc rối. Ông Út thấy mình chống chọi với người ngoài còn dễ dàng hơn người trong gia đình.
Đêm này trằn trọc mãi sang đêm kia, cuối cùng, ông Út mới dám thổ lộ chuyện nghỉ hưu với vợ. Bà vợ nhìn ông sừng sộ, chép chép miệng:
– Ông chưa đủ tuổi. Ông nghỉ ở nhà làm gì?
Ông Út chết lặng. Một lần nữa, với vợ con, ông không tìm được một lời giải thích. Ông thấy mình là kẻ bất tài bất lực. Nghỉ hưu chưa được nửa tháng, ông Út đã có ý định về quê sinh sống.
Với ông Út, quê hương bao giờ cũng là ký ức tuổi thơ khó quên. Nơi đó còn có những nấm mồ cha ông. Nhắc đến quê hương ông Út thường nói trong niềm tự hào. Tuổi càng cao, ông Út càng thấy mình như có một sự ràng buộc với quê hương, trong nỗi cô đơn trống vắng. Lần này về quê, ông muốn tìm lại sự hiền hòa ấm áp trong tâm hồn bình dị của người dân miền quê mà ký ức tuổi thơ mình đã sống.
Nghiệt ngã một điều, sống ở đây, ông Út hay hồi tưởng những chuyện xưa cũ. Những chuyện gần như đã lên mốc lên meo trong ký ức. Những chuyện có gì đâu đối với ông Hai. Vậy mà, ông Út cứ nhắc hoài. Chuyện là hơn 30 năm trước, ông Út từng trộm nhìn một cô láng giềng. Cô gái ấy thường cắt cỏ ven sông, tên Lựu. Theo ông Hai, cô Lựu cũng đẹp, một phần do mái tóc dày và làn da trắng. Thế mà, ông Út khoái con gái người ta đến mê mệt. Ngày này sang tháng khác, ông cứ diễn mãi một vai nhìn trộm cho đến lúc ông lên đường theo cách mạng. Những lần về phép sau đó, ông Út vẫn nhìn thấy cô Lựu cắt cỏ ở ven sông. Về sau, cuộc sống thành thị đã làm ông Út quên hẳn cô gái cắt cỏ ven sông năm xưa.
Mờ mờ sáng, bà Lựu đang lom khom đóng cửa chuẩn bị ra chợ. Ông Hai và ông Út xuất hiện. Ông Út nhìn chăm chăm vào nét mặt già nua, làn da nhăn nheo của bà Lựu.
Bà Lựu tươi cười ngồi xuống ghế chuyện trò:
– Sống ở thành thị có khác hả anh Hai? Anh Út về hưu rồi mà vẫn trẻ trung.
Bà Lựu dứt lời. Ông Út ngẩng đầu nhìn mái tóc bạc phơ, đôi má hồng ngày xưa đã nhăn nhúm nhăn nhíu của bà Lựu. Bầu không khí ở nhà bà Lựu nhạt nhẽo dần. Ba người ngồi đối diện nhau trên chiếc bàn tròn, không còn ai biết hỏi nhau câu gì. Mỗi mình ông Hai thỉnh thoảng mới buông vài câu bâng quơ, chuyện mưa, chuyện nắng. Những câu chuyện của trời đất nghe mãi cũng thấy chán. Cho nên, ông Út kết thúc cuộc trò chuyện.
Kể từ hôm đó, ông Út sinh ra ngán ngẩm cuộc sống ở thôn quê. Ông sợ bùn lầy. Ông sợ tiếng chim kêu giữa đêm khuya. Ông sợ cả những kỷ niệm ngày xưa.
Sau bao đêm đắn đo, ông Út quyết định quay về thành phố với gia đình. Dừng bước, ông Út đã nhìn rõ những con số quen thuộc. Nó chính là số nhà của ông. Ngôi nhà mà chính ông đã tạo dựng cách đây mấy mươi năm. Một nơi từng che mưa, chống nắng cho vợ chồng ông, đã chuyển sang màu khác. Ngôi nhà xập xệ trước đây của ông đã biến mất, thay vào đó là tòa nhà cao tầng đồ sộ. Ông Út đã hiểu mọi chuyện. Cứ đứng đắn đo mãi, cuối cùng, ông Út mang ba lô quầy quả bước đi. Vì nơi đó, căn nhà đó, không phải là nơi ông tá túc, cũng không phải là nhà của ông.
HUỲNH MẪN CHI