Vẽ minh họa cũng là loại hình nghệ thuật

Sách có là một loại hình nghệ thuật? Có lẽ không phải mọi cuốn sách trên thế giới đều như vậy, nhưng một số sách cho trẻ em thì có thể. Nadia Budde và Korky Paul là hai trong số các họa sĩ minh họa nổi tiếng góp phần làm cho sách truyện trẻ em thêm phần hấp dẫn.
Vẽ minh họa cũng là loại hình nghệ thuật

Sách có là một loại hình nghệ thuật? Có lẽ không phải mọi cuốn sách trên thế giới đều như vậy, nhưng một số sách cho trẻ em thì có thể. Nadia Budde và Korky Paul là hai trong số các họa sĩ minh họa nổi tiếng góp phần làm cho sách truyện trẻ em thêm phần hấp dẫn.

  • Nadia Budde - có duyên với thiếu nhi

Mặc dù giá trị của minh họa thường bị đánh giá thấp trong giới mỹ thuật, Nadia Budde, nữ họa sĩ - nhà văn Đức cho rằng tranh luận xem liệu minh họa có phải là một hình thức nghệ thuật là vô nghĩa. Theo Budde, minh họa sách thiếu nhi có chỗ đứng đặc biệt trong số tất cả các hình thức nghệ thuật. Chỉ cần một bản phác thảo bằng chì đơn giản, không cần bất kỳ màu sắc nào cũng có thể xem đó là một tác phẩm minh họa. Minh họa mang ý nghĩa khác biệt hoàn toàn, mang lại cảm giác dễ chịu cho người đọc. Không phải vì nó được sáng tác nhằm phục vụ mục đích triển lãm mà nó không có bất kỳ giá trị nghệ thuật nào. Một cuốn sách với hình ảnh minh họa tốt tự nó đã là một tác phẩm nghệ thuật.

Sinh năm 1967 tại Berlin, Đức, Budde làm việc trong ngành quảng cáo trước khi đi học về nghệ thuật đồ họa tại Trường Nghệ thuật Berlin Weissensee. Như có duyên, Budde tự hỏi phải chăng cô muốn làm việc cho trẻ em hơn?

Cuốn truyện tranh đầu tiên của cô, Eins Zwei Drei Tier (Một Hai Ba các loài động vật) bao gồm các giai điệu đơn giản và số câu ngắn gọn đã mang lại cho cô Giải thưởng Văn học thiếu nhi của Đức năm 1999. Theo Budde, “cuốn sách của tôi không thực sự là truyện kể mà giống như một trò chơi ngôn ngữ”. Ví dụ, truyện Trauriger Tiger Toastet Tomaten (Con cọp buồn gặm cà chua) được viết để dạy bảng chữ cái tiếng Đức cho trẻ em, không hề cứng nhắc.

Nữ họa sĩ nghĩ rằng việc đọc sách, truyện có nhiều hình ảnh minh họa không chỉ là niềm khao khát của trẻ em mà còn là của người lớn nữa. Vì cuối cùng, chính cha mẹ là người mua sách. Đáng mừng là ngày càng nhiều người lớn, ngay cả khi họ chưa có con, cũng bắt đầu sưu tập sách, truyện có nhiều hình minh họa vì nhận thấy các giá trị nghệ thuật nhất định. Với riêng bản thân cô, “đọc sách cho con tôi khi chúng còn nhỏ là thời gian đẹp nhất cuộc đời tôi”.

  • Korky Paul - quên triển lãm đi để kể chuyện bằng sách

Cũng là họa sĩ vẽ tranh minh họa từng giành giải thưởng, Korky Paul có vẻ bề ngoài thật thân thiện, dễ mến khi mang đôi vớ sọc cam giống nhân vật Winnie trong loạt truyện nổi tiếng Winnie the Witch (Phù thủy Winnie) của ông.

Korky Paul và nhân vật Phù thủy Winnie nổi tiếng của ông.

Korky Paul và nhân vật Phù thủy Winnie nổi tiếng của ông.

Sinh ra ở Harare (Zimbabwe) năm 1951, Paul lớn lên ở Nam Phi. Sau khi học ở Trường Nghệ thuật Durhan, ông được tuyển dụng vào làm trong một công ty quảng cáo ở Cape Town. Mặc dù được đào tạo chính quy về chuyên ngành mỹ thuật nhưng ở công ty, ông lại chỉ đam mê vẽ quảng cáo cho các sản phẩm của trẻ em. Paul cho biết quãng thời gian làm ở hãng quảng cáo vô cùng có ích vì ông đã học được mọi thứ cần phải học.

Sau nhiều năm sống ở cả châu Âu và Mỹ, Paul được đánh giá là con người đầy náo nhiệt và tràn đầy nhiệt huyết. Ông đã gặp Ron Heapy, một biên tập viên tại Đại học Oxford, người đã gợi ý Paul vẽ cuốn sách đầu tiên của loạt truyện thành công Winnie the Witch. Tác phẩm này đã giành giải thưởng sách thiếu nhi vào năm 1987 và đã được xuất bản bằng hơn 10 ngôn ngữ.

Trước ý kiến cho rằng công việc của ông thoạt nhìn có vẻ “lộn xộn và thậm chí kỳ cục” đối với một số độc giả trưởng thành, Paul trả lời đơn giản: “Tôi rất mừng bởi vì đó là những gì tôi muốn. Tôi muốn từ hình ảnh gợi nhớ tới các bản vẽ khác nữa. Tôi vẽ những bức tranh tôi thích xem”.

Từng đi giảng dạy về vẽ minh họa tại nhiều nơi, Paul nói ông luôn “đấu tranh” cho vẽ minh họa. Họa sĩ vẽ minh họa bị coi là cấp thấp nhất trong những hàng thấp (trong lĩnh vực nghệ thuật). Họ luôn phải đối mặt với thách thức về pháp lý cũng như tài chính. Là người tâm huyết với nghề, ông hiểu rằng họa sĩ minh họa là làm việc cho các giấy tờ văn bản, sách truyện chứ không cho triển lãm. “Tôi nói với học sinh của tôi, hãy quên các cuộc triển lãm đi, vì họa sĩ minh họa có nghĩa là kể chuyện thông qua cuốn sách”, ông nói

HÀ TRANG

Tin cùng chuyên mục