Về quê mở nhà hàng

Về quê mở nhà hàng

Đó là câu chuyện về ba người Việt quyết định chọn con đường trở về quê mẹ định cư sau nhiều năm tha hương đất khách. Không hẹn mà gặp, nhiều năm sau, họ đều trở thành những ông, bà chủ nhà hàng nổi tiếng của đất Sài Gòn.

Có một Ngọc Sương giữa Paris

Về quê mở nhà hàng ảnh 1

Ông chủ Ngọc Sương

22 tuổi rời Việt Nam (VN) sang đất Pháp. Chỉ 10 năm sau, Trần Anh Dũng đã có trong tay 3 nhà hàng VN tại Pháp. Từ restaurant Saigon, Mandarine đến Orchidee ra đời. Rồi đang trên đỉnh cao thành công, anh đưa ra quyết định táo bạo: bỏ hết về VN.

“Năm ấy tôi 34 tuổi, vẫn “độc thân vui tính”, nhưng quyết định trở về nhà là quyết định không nông nổi hay bốc đồng chút nào. Tôi đã mất 3 năm trời suy nghĩ mới dám đi đến quyết định này” - anh Dũng tâm sự. Tại sao vậy? Đó là năm 1990, thời kỳ VN đã mở cửa, nhưng còn nhiều thứ ngổn ngang, môi trường kinh doanh chưa ổn định.

“Lúc đó, tôi chỉ biết phải về thôi, còn chưa kịp nghĩ sẽ làm gì để kiếm sống”. Có vốn liếng ngoại ngữ, công việc đầu tiên mà ông chủ nhà hàng Ngọc Sương chọn lựa thời bấy giờ là… làm guide (hướng dẫn viên du lịch). Được 3 năm, guide Dũng đâm… chán! Nhớ nghề cũ ở Pháp, anh xoay sang mở nhà hàng hải sản, lấy luôn thương hiệu Ngọc Sương và chiếc cối xay gió nổi tiếng của gia đình từ nhiều năm trước.

Còn bây giờ, sau 17 năm trở về quê hương, chiếc cối xay gió Ngọc Sương đã nhân lên thành 3 nhà hàng lớn ở TPHCM, Nha Trang, Nội Bài (Hà Nội) và 1 khu resort Ngọc Sương (Mũi Né, Phan Thiết). Những ngày này ông chủ Ngọc Sương còn bận rộn đi lại như con thoi để chuẩn bị khai trương tiếp một khu resort Ngọc Sương 4 sao tại Cam Ranh.

Song, giấc mơ về một thương hiệu du lịch Ngọc Sương chưa dừng ở đây. Anh đang chuẩn bị cho một kế hoạch làm ăn mới. “Đã có nhiều đối tác thuộc 12 quốc gia Mỹ, Canada, châu Á, châu Âu tìm đến với đề nghị hợp tác đưa nhà hàng Việt Ngọc Sương ra thế giới. Chậm lắm năm 2008 sẽ có thêm Ngọc Sương giữa Paris, Ngọc Sương ở Mỹ…”.

Người du nhập nhà hàng dinh dưỡng vào VN

Anh tự nhận mình là người tham lam, bởi có tới 2 đam mê: mê sáng tạo và mê lang thang! Lý lịch trích ngang của anh có thể tóm tắt: sinh ra ở TPHCM, lớn lên ở Mỹ, học nghề bếp trưởng ở Pháp, và bây giờ là ông chủ hệ thống nhà hàng dinh dưỡng H2O Zen ở VN. Vốn mê ăn ngon nên cũng mê nấu ăn từ nhỏ, lớn lên dù gia đình có định hướng trường luật, trường y, anh vẫn kiên quyết ghi danh học nghề bếp tại Trường Cordon Bleu (Pháp). Thích lang thang nên sau 3 năm mài đũng quần học ẩm thực Pháp, anh lại quay về Mỹ mở nhà hàng Tây.

42 tuổi, anh chợt nhận ra: “Mình mang tên Việt, dòng máu Việt 100% sao phải sống hoài đời xa xứ?”. Vậy là quyết định bán nhà hàng về lại quê hương, năm đó là năm 1999.

Về quê mở nhà hàng ảnh 2

Bếp trưởng Trần Việt Hải. Ảnh: V.D.

Giới kinh doanh ẩm thực lại biết anh ở một góc độ khác. Năm 1999, thời mà người ta đổ xô mở quán nhậu, nhà hàng bia tươi, “bia ôm” đủ kiểu, anh gây sự chú ý với mô hình nhà hàng dinh dưỡng. Có nghĩa là không chỉ ăn ngon, ăn no mà còn phải ăn với nguồn dinh dưỡng phù hợp.

Thực đơn từng món ăn có tính cả hàm lượng calori, bản hướng dẫn nhu cầu calori cho từng lứa tuổi. Độc chiêu thứ hai, H2O Zen cũng là nhà hàng đầu tiên du nhập cách pha chế loại nước ép trái cây nguyên chất vào VN, và bây giờ đã trở thành thứ nước uống phổ biến khắp các nhà hàng Việt.

Bàn tiệc của bếp Trần Việt Hải lúc nào cũng đầy ắp những món ăn sáng tạo mới. Từ món bún hến, bánh đa, bánh mì Quảng Nam dân dã quê hương anh đều xuất hiện trên thực đơn với những cách điệu không giống ai nhưng ngon đến lạ lùng. Khách Tây cũng thích bếp Hải bởi các món ăn Việt, dù là nước mắm hay món cà pháo mắm tép cũng chế biến không còn mùi mà vị vẫn tươi nguyên.

Nhưng bếp Hải còn một ấp ủ khác: viết sách về ẩm thực Việt hiện đại và giới thiệu ra thế giới. Anh vẫn lang thang khắp các tỉnh thành VN để nghiên cứu ẩm thực Việt và cứ sau mỗi chuyến đi, người sành ăn sẽ lại có thêm những món ăn Việt kiểu mới của bếp Hải.

Và giấc mơ… bún Việt

Về quê mở nhà hàng ảnh 3

Chị Nguyệt Mi và món chả cá Triệu Phong kiểu Bún Việt

Chị thú thật mình bỏ quê ra đi là vì quá mê cuộc sống… ngoại. Vậy là tìm mọi cách để có một học bổng, chị bế con đến Paris. 20 năm qua với tấm bằng thương mại quốc tế, chị đi khắp nơi, làm rất nhiều việc, cuối cùng, chị quyết định trở về quê hương với một giấc mơ khác: “Tại sao Trung Quốc có mì, Ý có spaghetti đi khắp thế giới, nhưng món bún truyền thống độc đáo của Việt Nam chưa lên được bàn tiệc quốc tế?”.

Tự nhận là tín đồ của bún, chị đổ vốn đầu tư hẳn một nhà hàng Bún Việt. Chị mày mò sáng tạo những món “độc”: bún… xào giòn không dầu mỡ, chả cá Triệu Phong, món nước lá (một loại nước dinh dưỡng kết hợp lá và các loại trái cây)… Những ai chưa biết quy trình sản xuất bún, có thể tìm đến Bún Việt, ở đây có hẳn một lò bún mini hiện đại để thực khách tham quan.

Chủ Bún Việt cũng là một phụ nữ đặc biệt, mới mở cửa không lâu, nhà hàng của chị đã tấp nập giới văn nghệ sĩ, người mẫu, du khách quốc tế. Đông đến nỗi, giới trẻ kháo nhau muốn xin chữ ký các “sao”, hãy tìm đến đây chờ đợi. Chị nói đó là một nghệ thuật, một phong cách nhà hàng riêng biệt kiểu Nguyệt Mi (tên riêng của chị).

Còn giấc mơ đưa bún Việt đi xa, đi khắp nơi? Chị nói rằng chị đang ấp ủ một dự án dài hơi, đó là nhân Bún Việt ra khắp thế giới. Người con đi xa vừa trở về quê hương như chị còn một ước ao cháy bỏng: “Sẽ có một ngày VN không xuất khẩu gạo nữa mà là xuất khẩu… bún!”. 

SONG ĐĂNG

Tin cùng chuyên mục