Vệ sinh, an toàn hồ bơi bị thả nổi?

Vệ sinh, an toàn hồ bơi bị thả nổi?

Hơn một tháng qua, thời tiết nóng bức đã khiến các hồ bơi trên địa bàn TPHCM chật ních người. Thế nhưng, vòng qua một số hồ bơi trong thành phố, chúng tôi không khỏi giật mình trước tình trạng thiếu an toàn và mất vệ sinh tại đây.

Trên nhậu, dưới… bơi

Theo Quy định số 01/HD-TDTT ngày 27-4-2007 của Sở Thể dục thể thao TPHCM trước đây, các hồ bơi không được phép cho những người mắc các bệnh truyền nhiễm, say xỉn vào hồ. Thế nhưng, dạo qua các hồ bơi trong thành phố, mô hình “trên nhậu, dưới… bơi” xuất hiện khắp nơi.

Tại hồ bơi Nhật Nguyệt (Thanh Đa, P.28, Q.Bình Thạnh, tổ chức theo mô hình quán ăn, hồ bơi), chúng tôi chứng kiến một nhóm thanh niên sau khi nhậu say ngà ngà, cao hứng lên bèn thuê đồ đi tắm. Giữa trưa, thân hình người nào cũng nhễ nhại mồ hôi nhưng họ không thèm tắm trước khi xuống hồ theo đúng quy định mà cứ thế nhảy ùm xuống hồ.

Một khách bơi tại đây cho biết, họ rất ít khi thấy nhân viên trực hồ bơi để hướng dẫn, nhắc nhở và ngăn chặn những người nhậu say xuống hồ. Có hôm, họ còn chứng kiến một số người say nôn cả ra trong hồ bơi, trông phát khiếp. Vào chiều thứ bảy hay chủ nhật, hồ chật ních người bơi nên nước đục ngầu vì hệ thống lọc không đáp ứng được trước lượng khách quá đông.

Hồ bơi vắng nhân viên cứu hộ, thay vào đó là thông báo quy trách nhiệm cho phụ huynh (ảnh chụp tại hồ bơi Nhật Nguyệt, P28, Q Bình Thạnh, TPHCM lúc 10g ngày 28-2-2009). Ảnh: SONG PHA

Hồ bơi vắng nhân viên cứu hộ, thay vào đó là thông báo quy trách nhiệm cho phụ huynh (ảnh chụp tại hồ bơi Nhật Nguyệt, P28, Q Bình Thạnh, TPHCM lúc 10g ngày 28-2-2009). Ảnh: SONG PHA

Chúng tôi qua hồ bơi Gấu Misha nằm kế đó, cũng tổ chức theo mô hình phức hợp vui chơi, giải trí và ăn uống. Ở đây còn kinh khủng hơn! Đáy hồ và thành hồ bám đầy rêu, có nhiều chỗ tróc mất lớp gạch men, cặn bã lợn cợn trong nước.

Mô hình vui chơi, giải trí và ăn uống kết hợp hồ bơi này cũng được áp dụng tại các hồ bơi như Quân khu 7 (Phú Nhuận), Cung Văn hóa Lao động (quận 1), Hải Quân (Bình Thạnh)…

Nước hồ bơi bị thả nổi về chất lượng càng làm gia tăng ô nhiễm nước hồ. Hiện giá điện đắt, nước đắt, giá thuốc Clor tăng cao nên đã có nhiều hồ bơi giảm chi phí bằng cách không thay nước hồ mà chỉ châm thêm nước vào cho đầy hồ.

Theo điều tra của chúng tôi, một số hồ bơi còn “quên” châm hóa chất diệt khuẩn Clor vào nước hồ hoặc không vận hành hệ thống xử lý nước nhằm tiết kiệm chi phí. Các chủ hồ bơi lý giải, không thay nước vì hồ bơi đã có hệ thống lọc nước tuần hoàn.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM,  nên thay nước thường xuyên để bảo đảm an toàn vệ sinh cho người sử dụng vì đa số hồ bơi đều sử dụng thiết bị xử lý nước loại thường. Máy lọc tuần hoàn chỉ tạo độ trong của nước chứ không có chức năng khử nhiều loại vi trùng gây bệnh truyền nhiễm và hoàn toàn không khử được chất amoniac có trong nước hồ. Do vậy, dù có hệ thống lọc nước tuần hoàn nhưng nếu không thay nước định kỳ thì vẫn không đảm bảo chất lượng nước hồ bơi. 

Nhiều cái chết oan

Theo quy định, hồ bơi phải có tối thiểu 2 nhân viên trực hồ cứu đuối được trang bị còi, phao, mặc quần áo bơi, ngồi trên ghế cao, cách mặt hồ từ 1,2m đến 1,5m để tăng khả năng quan sát. Thế nhưng nhiều nơi không chấp hành quy định nên dẫn đến không ít trường hợp chết đuối tại các hồ bơi.

Tại hồ Nhật Nguyệt, cuối năm 2008, đã có một trẻ em chết đuối tại đây. Điều đáng nói là người phát hiện và vớt xác lại không phải là nhân viên cứu hộ hồ bơi! Sau vụ này, chủ hồ bơi mới trang bị phòng y tế và thuê một thanh niên mặc quần sọt dài quá đầu gối, áo thun đi lại trên hồ nhưng chủ yếu là để để nhắc nhở những người bơi quá suất vé phải rời khỏi hồ.

Điều đáng nói hơn, sau khi tai nạn xảy ra, lẽ ra chủ hồ bơi phải thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước thì chủ hồ bơi Nhật Nguyệt lại cho treo bảng khuyến cáo to đùng ngay trên hồ: “Thông báo: Chính phụ huynh chịu trách nhiệm về sự an toàn của con cháu mình trong hồ bơi” như một sự thoái thác trách nhiệm. Trước đó, tại hồ bơi Gấu Misha cũng xảy ra một trường hợp chết đuối mà nguyên nhân cũng do thiếu nhân viên cứu đuối.

Ngoài việc quản lý lỏng lẻo, một số hồ bơi lại có thiết kế không đáp ứng độ an toàn. Như tại hồ bơi Câu lạc bộ Không quân (quận Tân Bình), trước đây, đáy hồ được thiết kế gấp khúc tạo độ sâu lớn để đáp ứng việc huấn luyện các kỹ năng cho phi công và phi hành đoàn. Khi chuyển sang kinh doanh bán vé cho khách đến bơi, đáy hồ bơi không được cải tạo lại theo tiêu chuẩn dốc đều như quy định.

Theo Thanh tra Sở VH-TT-DL, con số người chết tại hồ bơi đang gia tăng đến mức báo động. Khi có tai nạn chết người xảy ra, chủ hồ bơi thường thỏa thuận với thân nhân nạn nhân để bồi thường và không báo cho cơ quan chức năng biết. Chỉ một số vụ không thỏa thuận được khiến phát sinh khiếu nại thì cơ quan cảnh sát điều tra mới vào cuộc. Trong quá trình điều tra, nếu có bãi nại, không khởi tố hình sự thì cơ quan điều tra chuyển sang thanh tra sở để xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 141/2004/NĐ-CP. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng mức xử phạt còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe các chủ hồ bơi.

Tình trạng kinh doanh bát nháo, chạy theo lợi nhuận, thiếu an toàn của các chủ hồ bơi trong thành phố đang là chuyện phổ biến. Điều này rất cần cơ quan chức năng sớm kiểm tra, chấn chỉnh.

Trần Thanh

Tin cùng chuyên mục