Từ năm 1970 đến năm 1974, lực lượng Binh vận Trung ương Cục miền Nam (còn gọi C52) về đóng quân tại 4 xã Mỹ Cẩm, An Trường, Đa Phước và Long Đức huyện Càng Long tỉnh Trà Vinh. Suốt 4 năm bí mật hoạt động và chiến đấu, dưới sự chở che đùm bọc của người dân, căn cứ của lực lượng C52 tuy sát nách đồn quân địch chỉ 500m nhưng vẫn trụ vững đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đoàn cán bộ C52 thăm một gia đình cách mạng lão thành. Ảnh: ANH VIỆT
Căn cứ xưa
Vào một ngày sau tết, tôi và những chiến sĩ kiên cường của C52 năm xưa về thăm lại vùng căn cứ cũ. Những mái đầu đã bạc, nhưng tấm lòng của họ vẫn thủy chung son sắt, uống nước nhớ nguồn. Họ về đây với tấm lòng tri ân bà con nơi này đã hết lòng chở che, thương yêu đùm bọc họ như con cái trong nhà và thắp nén nhang tưởng nhớ những đồng đội đã anh dũng hy sinh trên vùng đất này. Anh Nguyễn Văn Phương (còn được gọi là Ri binh vận) nói với tôi: “Đây là vùng căn cứ của một thời chiến tranh khốc liệt, bất kể ngày đêm bom cứ rơi, đạn cứ nổ tơi bời. Cây cối đầy thương tích, đồng ruộng tan hoang”. Giọng nói của anh như nghẹn lại vì xúc động khi nhớ về những kỷ niệm xưa. Bởi vậy, nơi đây xứng đáng với tên gọi “vùng đất lửa”, vùng chiến khu của 4 xã Mỹ Cẩm, An Trường, Đa Phước và Long Đức huyện Càng Long tỉnh Trà Vinh. Năm 1970, lực lượng Binh vận Trung ương Cục miền Nam (C52) về đóng quân nơi đây. Vùng căn cứ này sát nách với quân địch, chỉ cách 500m, vậy mà suốt 5 năm đóng quân và hoạt động nơi đây, với quân số hơn 50 cán bộ chiến sĩ, được nhân dân hết lòng thương mến che chở, đơn vị vẫn đảm bảo bí mật, bình yên hoạt động, chiến đấu, hoàn thành công tác cho đến ngày giải phóng.
Tuy tuổi cao, nhưng những chiến sĩ C52 ai cũng nôn nao, háo hức như đang đi về với quê hương yêu dấu. Mỗi con sông, bến nước là mỗi kỷ niệm khắc ghi thuở thanh xuân cầm súng chiến đấu. Đang dạo bước, anh Phùng Văn Việt, một thành viên trong đoàn, dừng lại nói: “Nơi này tôi suýt tử nạn khi một trái pháo nổ, cách tôi chỉ vài mét”. Anh Việt không giấu nỗi cảm xúc đang trào dâng, bồi hồi nhớ lại: “Ngay bến sông này, tôi đã lội qua sông giữa đêm khuya lạnh lẽo khi đi công tác về, gặp lúc hỏa châu ngoài quận bắn sáng rực, phải trầm mình dưới nước núp trong bụi cỏ, lạnh gần cứng người. Tôi được má Diễm đón về nhà cho ăn một bữa cơm thật ngon và đậm đà tình nghĩa…”. Tiếp đó, những chiến sĩ năm xưa, ai cũng có những kỷ niệm riêng khó quên, họ cùng kể, cùng nghe để hồi tưởng, để thấy lòng như sống lại thuở hào hùng ngày ấy.
Những bà mẹ vùng đất lửa
Chúng tôi ghé lại thắp nhang tưởng nhớ mẹ Việt Nam anh hùng Châu Thị Diễm, đã mất gần một năm nay. Mẹ có người con trai là liệt sĩ Trần Văn Tuấn, hy sinh trong trận chiến vào cuối năm 1974. Khi đoàn C52 về đóng quân nơi đây, má đã cho con trai mình nhập ngũ vào đoàn C52, còn má cùng con gái dốc sức lo giúp bộ đội về làng. Năm 1971, bị pháo địch nổ ngay hầm trú ẩn, làm má bị mù hai mắt và con gái hỏng một mắt. Dù sống trong cảnh mù lòa, nhưng má vẫn lần mò đi tới lui trong xóm để dò la tin tức, lo an nguy cho bộ đội đang hoạt động trong làng.
Chúng tôi tiếp tục đến thăm nhà bà Nguyễn Thị Vân, nay đã hơn 70 tuổi. Tuy tuổi cao, nhưng bà Vân vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, còn nhận ra từng người. Ông Trần Thế Hùng, cán bộ C52 ngày xưa đóng quân tại vườn nhà bà Vân, cảm kích: “Bà Vân có miếng vườn khá lớn, và cho lực lượng chúng tôi cất nhà trong vườn làm căn cứ suốt thời gian hoạt động. Công bằng mà nói, nếu lỡ chúng tôi bị lộ thì có thể chuyển quân đến địa điểm khác để hoạt động, hoặc hy sinh bản thân mà thôi. Nhưng đối với những người đã cưu mang bộ đội như bà Vân, thì sẽ nhận hậu quả thật vô cùng khốc liệt của quân địch. Gia đình, bản thân có thể phải chịu tù đày, tra tấn dã man, thậm chí phải hy sinh”. Trò chuyện với chúng tôi, bà Vân vẫn cười hiền lành: “Các chiến sĩ đã hy sinh quá nhiều rồi, họ đã vì Tổ quốc, vì cách mạng… nên sự đóng góp của mỗi người dân là trách nhiệm, là bổn phận thiêng liêng, có đáng gì đâu phải suy nghĩ”. Anh Phạm Văn Tám (Tám Thảo), một cán bộ C52 cùng đi trong đoàn, cho biết thêm: “Đây là hậu cứ quan trọng để tiếp đón cán bộ binh vận từ nội thành ra cứ học tập hoặc nhận kế hoạch mới. Chúng tôi có trách nhiệm phải bảo vệ tuyệt đối an toàn cho họ”.
Chúng tôi vô cùng xúc động khi đến xã Long Đức thăm má Nguyễn Thị Canh (má Bảy Canh). Thuở ấy nhà má nghèo lắm, nhưng mỗi khi nghe có bộ đội hành quân qua làng, hay về trú đóng tại địa phương là y như rằng, má kêu gọi nhà nhà, người người cùng chung tay lo cơm nước cho bộ đội. Giọng má vẫn rổn rảng: “Tội nghiệp, bộ đội hành quân đường xa mệt nhọc. Có thêm chén cơm ngon cho ấm lòng chiến sĩ ra sa trường cứu nước.” Một lần lính ngoài dinh quận Càng Long bất ngờ đột kích, các anh bộ đội kêu má chạy thoát thân, để mặc các anh chiến đấu. Nhưng lính vây đông quá và biết khó thoát khỏi nên má một mình đối đầu với quân địch để bộ đội rút quân an toàn. Sau đó, má Bảy Canh bị địch bắt tra tấn đã man, nhưng trước sau như một, má vẫn không hề hé môi. Má bị chúng bắt giam ở nhà tù Côn Đảo cho đến ngày giải phóng.
Tiếp nối truyền thống
Chúng tôi đến viếng đền thờ Bác Hồ tại xã Long Đức, nơi ghi dấu tinh thần kính yêu Bác của nhân dân Trà Vinh nói chung và người dân xã Long Đức huyện Càng Long nói riêng. Theo anh Nguyễn Văn Phương (Ri binh vận), năm 1969 sau khi nghe tin Bác mất, nhân dân đã xây dựng lên ngôi đền sát bên đồn lính. Dù bị phá sập nhiều lần nhưng ngay sau đó, nhân dân lại dựng đền thờ lên trước mũi súng quân thù. Anh Phương bùi ngùi: “Năm 1970, tôi cùng anh Trần Văn Tư (Tư Tranh) là Bí thư Thị ủy Trà Vinh có đến dự lễ khánh thành ngôi đền vừa được người dân xây dựng lại, sau khi bị bọn lính phá tan tành. Tinh thần bất khuất, kiên cường của người dân Long Đức nguyện một lòng đi theo ngọn cờ thiêng liêng của Bác thật đáng ngưỡng mộ. Đến bây giờ, con cháu của họ vẫn tiếp tục làm rạng danh sự nghiệp cách mạng của ông cha mình”. Câu nói của anh Phương khiến tôi nhớ lại khi đến nhà thăm các má, những người tiếp chúng tôi là bí thư xã, chủ tịch xã, trưởng ấp… đều là con cháu của các má. Những cán bộ trẻ đầy nhiệt huyết, ai cũng bày tỏ tinh thần phấn đấu xây dựng xã mình sớm trở thành xã nông thôn mới, xứng đáng với truyền thống cách mạng của một thời là vùng căn cứ anh hùng.
Đại tá Phạm Ngoc Thế, một cán bộ chỉ huy của C52 năm xưa, cảm kích: “Về thăm vùng đất lửa, nơi chúng tôi đã sống và chiến đấu trong vòng tay yêu thương của đồng bào, tôi rất vui mừng thấy nơi đây phát triển, đời sống của bà con đã sung túc, nhà cửa khang trang, vườn tược, đồng ruộng xanh tươi, đường sá thông thoáng... Thật tự hào khi thấy lớp con cháu của những người đã sống và chiến đấu, góp phần cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, biết noi theo tinh thần cách mạng của cha anh mình. Vùng đất thiêng liêng này mãi mãi chúng tôi không thể nào quên”.
NGUYỄN TƯỜNG LỘC