Vệ tinh của Triều Tiên rơi xuống biển sau 2 phút rời bệ phóng

Ngày 13-4, hãng Thông tấn trung ương CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) KCNA đưa tin vụ phóng vệ tinh Quang Minh Tinh-3 đã thất bại vì nó không đi vào quỹ đạo.
Vệ tinh của Triều Tiên rơi xuống biển sau 2 phút rời bệ phóng

Ngày 13-4, hãng Thông tấn trung ương CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) KCNA đưa tin vụ phóng vệ tinh Quang Minh Tinh-3 đã thất bại vì nó không đi vào quỹ đạo.

  • 2 phút mất 850 triệu USD

Báo chí Hàn Quốc và Nhật Bản dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ, cho biết vào 7 giờ 39 phút sáng 13-4 (giờ địa phương, tức 5 giờ 40 phút sáng cùng ngày giờ Việt Nam), Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng vệ tinh bằng tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, tên lửa Ngân Hà (Unha-3) đã rơi xuống biển ngay sau khi rời bệ phóng khoảng 2 phút. Quân đội Hàn Quốc xác nhận khoảng 20 mảnh vỡ tên lửa rơi xuống vùng biển gần TP Kunsan của Hàn Quốc.

Bộ chỉ huy không gian Bắc Mỹ (NORAD) và Bộ chỉ huy miền Bắc của quân đội Mỹ tuyên bố đã phát hiện và lần theo vụ phóng tên lửa Taepodong-2 của Triều Tiên nhưng tên lửa cùng các mảnh vỡ không gây nguy hiểm gì.

Người dân Hàn Quốc theo dõi video mô phỏng vụ phóng vệ tinh Triều Tiên tại nhà ga Seoul.

Người dân Hàn Quốc theo dõi video mô phỏng vụ phóng vệ tinh Triều Tiên tại nhà ga Seoul.

Cùng ngày, KCNA cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã được bầu làm Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng. Cố lãnh đạo Kim Jong Il cũng được tôn vinh là Chủ tịch vĩnh viễn của ủy ban đầy quyền lực này.

Theo nhiều dự đoán, sự cố có thể nằm ở hệ thống đẩy và hệ thống định vị của tên lửa. Trong khi đó, nhà phân tích quân sự người Nhật Chiaki Akimoto cho rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên không thành công có thể do tầng thứ hai của tên lửa quá cũ vì sử dụng đạn đạo của tàu ngầm từ thời Liên Xô cũ.

Do tầng hai cũ kỹ có thể gây nên sự cố khiến tầng thứ nhất và tầng thứ hai không thể tách khỏi nhau, làm quá trình phóng thất bại.

Còn giáo sư Yasaka Tetsuo, chuyên ngành khoa học tên lửa thuộc Đại học Kyushiu, Nhật Bản cho rằng thất bại này có thể do động cơ gần tầng thứ nhất gặp sự cố khiến tên lửa bốc cháy và trượt khỏi đường bay dự định. Phía Nhật Bản còn nhận định có thể Triều Tiên sau đó đã ra lệnh phá hủy tên lửa Ngân Hà-3. Các quan chức Hàn Quốc ước tính Triều Tiên đã chi 850 triệu USD trong vụ phóng vệ tinh này.

Người phát ngôn của Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết hải quân nước này đã tiến hành chiến dịch vớt các mảnh vỡ tên lửa trong vụ phóng tên lửa bất thành của Bình Nhưỡng. Hàng chục tàu hải quân Hàn Quốc được trang bị hệ thống định vị siêu âm và được thợ lặn hỗ trợ đang tìm kiếm ở khu vực này.

Động thái này diễn ra bất chấp cảnh báo hồi tuần trước của Triều Tiên rằng miền Nam chớ có tiến hành chiến dịch như vậy. Ủy ban Tái thiết hòa bình Triều Tiên đã tuyên bố: “Nếu bất cứ ai tìm cách bắn hạ hay tìm kiếm các mảnh vỡ tên lửa, chúng tôi sẽ giáng trả không thương tiếc”.

Các phóng viên tham gia tác nghiệp tại Bình Nhưỡng.

Các phóng viên tham gia tác nghiệp tại Bình Nhưỡng.

Trong những ngày qua đã xuất hiện các thông tin cho rằng Triều Tiên đang có những hoạt động chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần 3 nhưng nước này chưa lên tiếng xác nhận. Quan chức Mỹ từng công bố về khả năng Triều Tiên đang sở hữu lượng plutonium đủ chế tạo từ 6 - 8 quả bom hạt nhân.

Các nhà phân tích cho rằng nước này đang làm việc với một thiết bị có chứa uranium. Vụ thử hạt nhân gần nhất của Triều Tiên được thực hiện hồi năm 2009. Hãng Ria Novosti đưa tin, trong 2 - 3 năm tới nhiều khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành thử phóng thêm 1 vệ tinh nữa.

  • Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) đã nhóm họp vào ngày 13-4 để thảo luận về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là một hành động khiêu khích đáng chỉ trích.

Ông Ban Ki-moon yêu cầu Triều Tiên chấm dứt những hành động tương tự làm căng thẳng gia tăng tại khu vực. Hội nghị ngoại trưởng G8 đang nhóm họp tại Washington, Mỹ, đã ra tuyên bố yêu cầu HĐBA LHQ có những hành động thỏa đáng để phản ứng với hành động của Triều Tiên.

Tại Washington, Nhà Trắng đã ra tuyên bố khẳng định vụ phóng tên lửa của Triều Tiên mặc dù thất bại nhưng hành động này vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại những cam kết gần đây của Bình Nhưỡng và đe dọa an ninh trong khu vực. Ngoại trưởng Anh William Hague bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên và kêu gọi phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Ngay sau khi có thông tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, nội các Nhật Bản và Hàn Quốc đã triệu tập phiên họp khẩn và ra nghị quyết phản đối. Cuộc họp cấp ngoại trưởng 3 nước Nga, Trung Quốc và Ấn Độ tổ chức ở Mátxcơva cũng ra tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế kiềm chế trước vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên.

Trong cuộc họp báo chung 3 ngoại trưởng, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Nga bác bỏ bất cứ lệnh cấm vận mới nào đối với Triều Tiên. Ông cho rằng Triều Tiên có quyền sử dụng không gian vũ trụ cho mục đích hòa bình, dù việc phóng tên lửa vi phạm các nghị quyết HĐBA LHQ đối với Triều Tiên. 

THANH HẰNG (Tổng hợp)

Thông tin liên quan

- CHDCND Triều Tiên thừa nhận vụ phóng vệ tinh thất bại

Tên lửa Triều Tiên sắp rời bệ phóng

- CHDCND Triều Tiên chờ lệnh phóng tên lửa

- Triều Tiên đã đưa tên lửa vào bệ phóng

- 21 hãng truyền thông nước ngoài đến CHDCND Triều Tiên đưa tin vụ phóng vệ tinh

- Đông Bắc Á nóng lên từng ngày

Tin cùng chuyên mục