VFF cần người làm hơn nói

Dự kiến ngày 7-5 tới, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ công bố danh sách các đề cử cuối cùng của ban chấp hành cũng như các chức danh chủ chốt trước khi trình cơ quan chủ quản Bộ VH-TT-DL phê duyệt và xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để tiến hành đại hội VFF nhiệm kỳ 7 vào đầu tháng 6 tới. Cho đến thời điểm này, các chức danh chủ chốt hầu như không có người mới. Đặc biệt là vị trí quan trọng nhất, chủ tịch VFF nhiệm kỳ 7, hiện vẫn chỉ có 2 ứng cử viên là ông Phạm Văn Tuấn, Tổng cục phó Tổng cục TDTT, Phó Chủ tịch VFF và ông Lê Hùng Dũng, một Phó chủ tịch VFF khác.

Thực ra ở danh sách cuối cùng, không nhất thiết phải có nhiều ứng cử viên. Vấn đề là cả 2 ứng cử viên hiện tại vẫn chưa thỏa mãn những mong muốn của cộng đồng bóng đá khi đều là người cũ của nhiệm kỳ 6 vừa qua, vốn được đánh giá là một trong những nhiệm kỳ hoạt động kém hiệu quả nhất.

Trong khi đó, theo cách nhìn chung của cộng đồng bóng đá, ở thời điểm bóng đá Việt Nam đang khó khăn như hiện nay, VFF rất cần có một lãnh đạo thực sự hội đủ các yếu tố uy tín chính trị, năng lực lãnh đạo và một vị trí cao trong xã hội đồng thời phải am hiểu về bóng đá. Tóm lại là phải có tâm, tầm và lực.

Đấy là lý do mà dù uy tín của 2 ứng cử viên hiện nay vẫn được cộng đồng bóng đá công nhận, nhưng chưa cho thấy sự khác biệt lớn để có thể ngồi vào chiếc ghế chủ tịch VFF vốn mang nhiều trọng trách trong giai đoạn mà bóng đá Việt Nam cần có một tầm nhìn, một cách làm khác hòng thoát ra khỏi sự bế tắc hiện nay. Nhất là sau khi Chính phủ đã chính thức phê duyệt chiến lược phát triển bóng đá đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 thì nhiệm kỳ 7 chính là nơi đặt ra những bước đi đầu tiên để thực thi chiến lược ấy.

Vì thế, trong hoàn cảnh vẫn chưa có ứng cử viên mới thỏa mãn yêu cầu của giới bóng đá, người ta hy vọng tân chủ tịch VFF sẽ là người biết làm, dám làm và đủ khả năng để hiện thực hóa các yêu cầu cấp bách của bóng đá Việt Nam chứ không phải là một người chỉ đóng vai trò thực thi chức năng cánh tay nối dài của Tổng cục TDTT trong hoạt động của VFF. Thực tế cho thấy, dù đã có nhiều chiến lược được vạch ra, nhưng từ trước đến nay, cái yếu nhất của VFF là sự quyết liệt để chuyển những chiến lược ấy thành các bước đi cụ thể, tạo nền móng cho tương lai. Nói cách khác, trong hoàn cảnh hiện tại, VFF cần một tân chủ tịch biết làm hơn là nói.

Đăng Linh

Tin cùng chuyên mục