Quan hệ liên Triều chưa bao giờ căng thẳng như hiện nay kể từ hơn một chục năm qua. Lò lửa chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có nguy cơ bùng phát nếu các bên liên quan thiếu kiềm chế hoặc có những động thái nguy hiểm. Diễn biến mới nhất rất nóng là Triều Tiên tuyên bố sẽ “từ bỏ hoàn toàn” hiệp ước liên Triều nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ vũ trang dọc biên giới biển tranh chấp ở phía Tây, nơi đã từng diễn ra ba cuộc đụng độ hải quân đẫm máu giữa hai miền Triều Tiên. Tuyên bố của quân đội Triều Tiên có đoạn viết: “Các cuộc tấn công bằng vũ lực ngay lập tức sẽ được tiến hành nhằm vào bất cứ tàu nào của Hàn Quốc xâm nhập lãnh hải Triều Tiên”.
Bình Nhưỡng đã tuyến bố cắt đứt các quan hệ với Seoul. Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tuyên bố một loạt biện pháp trừng phạt Triều Tiên để đáp trả vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc. Đây được coi là hành động cứng rắn nhất chỉ sau hành động quân sự. Từ ngày 25-5, Hàn Quốc tiến hành hoạt động tuyên truyền chống Triều Tiên bằng việc đặt các loa phóng thanh dọc biên giới liên Triều bất chấp việc quân đội Triều Tiên trước đó tuyên bố sẽ phá hủy hệ thống loa này. Hàn Quốc có kế hoạch lắp 11 bảng điện tử lớn dọc biên giới và sau đó cho rải truyền đơn sang miền Bắc bằng bóng bay. Tư lệnh các lực lượng Quân đội Nhân dân Triều Tiên nhấn mạnh việc Hàn Quốc nối lại chiến tranh tâm lý chống Triều Tiên là vi phạm Hiệp định quân sự liên Triều và là hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng…
Trong khi đó, quân đội hai nước và cả lực lượng quân sự Mỹ đóng ở Hàn Quốc đang trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh. Phản ứng trước việc hải quân Hàn Quốc và hải quân Mỹ tiến hành tập trận chống tàu ngầm quy mô lớn ngoài khơi bờ biển phía Tây, Triều Tiên cảnh báo rằng các cuộc tập trận như vậy sẽ khiến bán đảo Triều Tiên bên bờ vực chiến tranh. Triều Tiên kiên quyết bác bỏ mọi lời buộc tội của Hàn Quốc, khẳng định rằng Seoul đã làm giả các chứng cớ, đồng thời đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu để “đáp lại các động thái trừng phạt”. Hiện Mỹ triển khai 28.500 quân tại Hàn Quốc. Binh lính Mỹ và Hàn Quốc hiện ở mức báo động cao nhất kể từ khi Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ hai vào tháng 5 năm ngoái.
Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên hiện vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi vì cuộc chiến tranh 1950 - 1953 kết thúc chỉ bằng lệnh ngưng bắn, không phải hiệp ước hòa bình. Cộng đồng quốc tế rất lo ngại tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày càng xấu đi nghiêm trọng. Cho dù các cuộc xung đột vũ trang với quy mô hạn chế, nhưng ngọn lửa chiến tranh sẽ thiêu cháy những nỗ lực tìm kiếm hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, gây bất ổn cho an ninh khu vực và thế giới. Hơn thế, chắc chắn nhân dân của cả hai miền bán đảo Triều Tiên không muốn một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, thậm chí có nguy cơ thảm khốc hơn cuộc chiến tranh Triều Tiên trước đây.
Trong lịch sử quan hệ liên Triều, có không ít lần hai bên đã xảy ra các cuộc xung đột căng thẳng, kể cả xung đột quân sự, nhưng các bên liên quan đã kiềm chế được. Vì vậy, đối với lần này, cộng đồng quốc tế mong muốn các bên liên quan tới tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cần kiềm chế, thận trọng, có những bước đi đối thoại thích hợp, sớm tháo ngòi nổ cuộc chiến tranh Triều Tiên có thể bùng phát.
Nguyễn Khắc Đức