Vì lợi ích toàn cục

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng nghiêm trọng nhiều năm qua, kéo theo nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế trong nước, thông tin về dự án nhà máy lọc hóa dầu với tổng giá trị gần 27 tỷ USD do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) xúc tiến đầu tư, dự kiến xây dựng tại Khu Kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) thu hút sự chú ý của dư luận. Bên cạnh một số ý kiến băn khoăn về quy mô của dự án, việc bảo đảm an toàn môi trường, phần lớn ý kiến đều kỳ vọng vào sự thành công của dự án sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của không chỉ vùng đất miền Trung mà còn của cả nền kinh tế đất nước.

Theo thông tin chính thức từ lãnh đạo tỉnh Bình Định, dự án này có tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) khoảng 14,8%, là tỷ lệ khá cao nếu so với nhiều dự án lọc hóa dầu khác thường không quá 10%. Sau nhiều cuộc đàm phán, thương thảo, PTT đã nhất trí dành 1/3 vốn cho các đối tác Việt Nam tham gia dự án. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia vào lĩnh vực lọc hóa dầu mang tầm vóc khu vực. Bởi khi dự án được hoàn thành các phân kỳ đầu tư, đây sẽ là 1 trong 6 tổ hợp lọc hóa dầu lớn nhất thế giới.

Dư luận có quyền lo lắng, thậm chí hoài nghi về tính khả thi cũng như khả năng đảm bảo môi trường của dự án. Bởi thực tế cho thấy, trong những năm qua, có không ít dự án lọc hóa dầu với số vốn đầu tư hàng tỷ USD không thể triển khai với nhiều lý do. Tuy nhiên, đối với dự án này, hầu hết các câu hỏi đặt ra đều được phía địa phương, nơi dự kiến đặt nhà máy và các bộ ngành liên quan yêu cầu, phía chủ đầu tư đều sẵn sàng trả lời. Được biết, PTT đã thể hiện rõ thiện chí đầu tư trong suốt thời gian qua bằng cách thực hiện khá các nghiên cứu tiền khả thi, đáp ứng những yêu cầu của phía địa phương, các bộ ngành liên quan để đảm bảo dự án có hiệu quả cao về mặt kinh tế và đảm bảo môi trường với công nghệ tiên tiến.

Với một dự án như vậy, chúng ta có thể hy vọng nếu thành hiện thực sẽ đóng góp một nguồn lực to lớn cho nền kinh tế. Khác hẳn với một số dự án được đầu tư từ chính nguồn vốn ngân sách quốc gia - tức là mồ hôi công sức của hàng chục triệu người dân, đến nay vẫn liên tiếp thua lỗ, thậm chí đứng trước nguy cơ mất vốn, đây là dự án do một trong những tập đoàn dầu khí lớn với tổng tài sản lên đến hơn 50 tỷ USD, đã và đang triển khai nhiều dự án trên toàn cầu. Với vị thế thuận lợi vượt trội của Khu Kinh tế Nhơn Hội với đường cao tốc, cảng nước sâu, đường điện cao thế và đặc biệt là hàng ngàn hécta đất sạch đang chờ được “đánh thức”, PTT quyết tâm chọn Việt Nam làm nơi đầu tư. Thế nhưng, những ngày vừa qua, dư luận không khỏi băn khoăn với thông tin Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gửi văn bản đề nghị Bộ Công thương không đồng ý với dự án nhà máy lọc hóa dầu của PTT (!?). Lý giải về điều này, một số chuyên gia cho rằng, phản ứng của PVN thể hiện tư tưởng độc quyền đã ăn sâu vào tiềm thức, đôi khi trở thành…quán tính.

Cạnh tranh là xu thế tất yếu, PVN không thể đứng ngoài quy luật đó. Việc xuất hiện các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính, có khả năng cao hoàn thành dự án nên được hoan nghênh, chào đón hơn là phản đối. Khi các dự án có tầm cỡ của các nhà đầu tư uy tín được triển khai trên đất nước ta, đó là lời khẳng định thuyết phục nhất về một đất nước hòa bình, ổn định và phát triển. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực còn gặp nhiều khó khăn, thử thách như hiện nay, điều đó càng có ý nghĩa quan trọng.

Vấn đề còn lại là để tồn tại trên một sân chơi chung bình đẳng, không chỉ PVN mà tất cả các doanh nghiệp trong nước đều phải tự làm mới mình, nâng tầm từ tư duy đến công nghệ. Nhìn ở một góc độ khác, như chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khẳng định, việc PTT xuất hiện tại Việt Nam sẽ là động lực để PVN phát huy năng lực. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ đạt được lợi ích “nhiều trong một”. Đặc biệt, quyền lợi của người tiêu dùng trong nước được đảm bảo; cơ chế độc quyền không còn là “thành trì bất khả xâm phạm” của một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu dự án nhà máy lọc hóa dầu này đi vào hoạt động toàn bộ các hợp phần, giá trị sản xuất có thể đạt tới khoảng 10% GDP của nước ta. Bên cạnh đó, dự án sẽ tạo ra hàng vạn công ăn việc làm; góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo khu vực miền Trung và Tây nguyên vốn còn rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, chẳng có lý do gì để phản đối một dự án đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân nếu nó thật sự khả thi, an toàn và hiệu quả. 

TÔ ĐÌNH TUÂN

Tin cùng chuyên mục