Ngày 21-5, Diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á (WEF Đông Á) lần thứ 23 sẽ khai mạc ở Philippines. Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Thúc đẩy sự tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều”. Các nội dung thảo luận chính của hội nghị tập trung vào tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều; thúc đẩy các mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển bền vững và nhận diện kết nối khu vực.
Trong đó, sự gắn kết của những yếu tố giáo dục, kinh doanh và việc làm được ví như 3 chân trụ để nền kinh tế của một quốc gia và cả khu vực đạt đến được trình độ cao và bền vững. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang chú ý quá nhiều đến sự cần thiết phải tạo ra việc làm. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp chưa dành đủ mức quan tâm đến phúc lợi dành cho người lao động. Điều này dẫn đến điều kiện làm việc chưa an toàn hay chế độ lương thưởng chưa công bằng.
Trong báo cáo “Cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương” được công bố đầu tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng các nước đang phát triển ở Đông Á sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 7% trong năm 2014. Có được như vậy là nhờ sự ổn định dần của nền kinh tế toàn cầu cùng với việc khu vực này có khả năng trụ vững bất chấp Mỹ cắt giảm gói kích thích kinh tế. Với mức tăng trưởng này, Đông Á sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các quốc gia cả trong lẫn ngoài khu vực. Bên cạnh việc đạt được và duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng như thế, thì việc giữ nhịp cân bằng, tạo nên bước tiến đồng đều giữa các quốc gia, giữa các khu vực, công ty trong mỗi quốc gia cũng quan trọng không kém.
Đông Á - Thái Bình Dương được nhắc đến với vai trò là động lực tăng trưởng chính của thế giới kể từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hợp tác toàn diện trong khu vực đang cần một cộng đồng Đông Á có nội lực vững mạnh. Đây cũng là mục tiêu được lãnh đạo các quốc gia trong khu vực theo đuổi từ nhiều năm qua. Việt Nam đã và đang không ngừng thể hiện tinh thần tích cực, góp sức để hoàn thiện việc xây dựng cộng đồng Đông Á trong tương lai. Tại diễn đàn lần này, Việt Nam tham dự với tư cách là khách mời đặc biệt trong các phiên thảo luận về sáng kiến “Tăng trưởng châu Á” với chủ đề “Chương trình nghị sự nông nghiệp và an ninh lương thực của ASEAN” và “Thúc đẩy cộng đồng kinh tế ASEAN thông qua tăng cường phối hợp công tư”.
Đi cùng nỗ lực đẩy mạnh kinh tế là nỗ lực đảm bảo an ninh của cả khu vực. Để có một môi trường đầu tư an toàn thì yêu cầu ổn định về an ninh là vấn đề cấp thiết nhất cần chú ý. Thời gian gần đây, khu vực Đông Á liên tục đối mặt với những mâu thuẫn về địa chính trị. Diễn đàn sẽ dành hẳn một phiên thảo luận về chủ đề căng thẳng địa chính trị, có sự tham gia của Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ Samuel J. Locklear. Bên lề diễn đàn lần này, Tổng thống nước chủ nhà Philippines Benigno Aquino và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng dự kiến sẽ thảo luận về hành động và thái độ gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông.
Nội lực ổn định, gắn kết cao là điều kiện cần để Đông Á “dấn thân” vào cuộc chạy đua kinh tế mà khu vực này được đánh giá là non trẻ và còn nhiều tiềm năng. Đây cũng là nhiệm vụ mà mỗi quốc gia trong khu vực và các đối tác liên quan cần vượt qua để có được lợi ích chung lâu dài.
NHƯ QUỲNH