Vì một quan hệ lao động hài hòa

Vì một quan hệ lao động hài hòa

Từ năm 2008 đến nay, ở TPHCM xảy ra hơn 630 vụ ngừng việc tập thể không đúng trình tự pháp luật, hầu hết liên quan chế độ tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, thời gian làm việc, nghỉ ngơi. Mức độ tranh chấp lao động diễn ra từ năm 2008 đến nay mang tính ôn hòa hơn so với thời gian trước, đồng chí Nguyễn Văn Rảnh, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp TPHCM cho biết như trên khi trao đổi với Báo SGGP về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TƯ của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Văn Rảnh tặng quà thanh niên tình nguyện.

Đồng chí Nguyễn Văn Rảnh tặng quà thanh niên tình nguyện.

- Đâu là nguyên nhân chủ yếu mang lại kết quả trên, thưa đồng chí?

>> Đồng chí NGUYỄN VĂN RẢNH: Có nhiều yếu tố tác động, nhưng có thể khái quát: Về phía Nhà nước, đã tăng cường công tác phổ biến pháp luật đến doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện quy chế dân chủ, xây dựng thang lương, bảng lương; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động. Các cơ quan chức năng tổ chức hội thảo, tập huấn về chủ trương, chính sách, pháp luật lao động và kỹ năng thương lượng cho doanh nghiệp; tham mưu cho UBND TPHCM ban hành quy chế phối hợp xử lý các trường hợp doanh nghiệp nợ lương, bảo hiểm xã hội, bỏ trốn; tăng cường công tác thông tin về tình hình nợ lương để nhanh chóng có biện pháp tác động cần thiết, tránh tình trạng doanh nghiệp nợ lương, tẩu tán tài sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh những vi phạm, cố tình vi phạm.

Về phía doanh nghiệp: thực hiện tốt pháp luật lao động và nghĩa vụ của doanh nghiệp; cùng tổ chức công đoàn chăm lo cho công nhân; hợp tác cùng các cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề liên quan khi xảy ra tranh chấp lao động…

Về tổ chức công đoàn: tích cực đối thoại với chủ doanh nghiệp và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, bảo đảm lợi ích hài hòa của cả hai bên: người lao động và người sử dụng lao động.

- Trên thực tế, số lượng vụ ngừng việc tập thể có giảm nhưng không nhiều?

Đúng vậy, năm 2013, số vụ ngừng việc tập thể xảy ra là 95 vụ, giảm 10 vụ so với năm 2012. Nếu đánh giá đúng thì không nhiều, nhưng như tôi nói ở trên, để xây dựng mối quan hệ lao động thì cần nhiều yếu tố. Nếu một trong các yếu tố đó không được thực hiện nghiêm túc dẫn đến ngừng việc tập thể là điều tất yếu. Đánh giá nguyên nhân xảy ra tranh chấp lao động cho thấy, chủ yếu là do doanh nghiệp vi phạm quyền và lợi ích của người lao động như chậm trả lương, thưởng, không tăng lương đúng thời hạn, chất lượng bữa ăn giữa ca chưa đảm bảo, giải quyết chế độ không đúng luật. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp lỗi thuộc về người lao động và không loại trừ trường hợp người lao động bị xúi giục, kích động.

- Vậy phương châm giải quyết các vụ việc như thế nào, thưa đồng chí?

Quan điểm của TP là bảo đảm quyền, nghĩa vụ, lợi ích của các bên trong quan hệ lao động theo đúng quy định của pháp luật. Vụ việc xảy ra ở đâu thì giải quyết ngay tại nơi đó, không để ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Nếu vụ việc xảy ra, tổ chức Công đoàn sẽ đại diện người lao động thương lượng với người sử dụng lao động; tổ công tác liên ngành tại địa bàn sẽ tiếp xúc với người lao động và người sử dụng lao động để làm cầu nối thông tin và hỗ trợ quá trình thương lượng giữa hai bên; nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm, sẽ hướng dẫn để doanh nghiệp khắc phục hoặc đề nghị xử lý theo quy định; nếu vi phạm do người lao động hoặc bị kích động, các cơ quan liên ngành sẽ tuyên truyền, giải thích hoặc xử lý nghiêm người cầm đầu, kích động gây rối đồng thời vận động công nhân trở lại làm việc, chấp hành nội quy lao động, kiến nghị hợp lý với tổ chức Công đoàn để được giải quyết đúng trình tự.

Hiện nay, TP đã hình thành đội ngũ hòa giải viên lao động ở 24 quận, huyện với 113 người. Trong thời gian qua, các hòa giải viên đã hoạt động rất tốt, tỷ lệ hòa giải thành đạt 70,6% (5.715/6.284 vụ). Có thể nói, lực lượng này đã góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình quan hệ lao động chung của thành phố.

- Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, TP có giải pháp nào hỗ trợ công nhân, người lao động?

TP đã thấy được điều này từ lâu và đã có nhiều giải pháp cụ thể, không chỉ là chăm lo cho người lao động mà còn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Tức là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cả 2 bên trong quan hệ lao động. Qua khảo sát cho thấy, số lượng doanh nghiệp xây dựng thỏa ước lao động tập thể, đăng ký thang lương, bảng lương, nội quy lao động… được nâng lên. Cụ thể qua thống kê, đã có 1.281 doanh nghiệp đăng ký với nội dung thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật lao động, chiếm tỷ lệ 82,54% (1.281/1.552) so với tổng số doanh nghiệp đăng ký. Tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cũng cao hơn. Các giải pháp mang tính phúc lợi hỗ trợ cho phát triển quan hệ lao động bước đầu phát huy kết quả như cải thiện một bước vấn đề nhà ở, đời sống vật chất, văn hóa cho người lao động, nhất là đối với người lao động ngoài tỉnh.

Trong tình hình khó khăn chung, các cấp ủy Đảng, chính quyền TP đã lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống công nhân, người lao động có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn như vận động người có phòng trọ cho thuê, nhà giữ trẻ không tăng giá; đăng ký định mức và tính đúng giá điện, nước sinh hoạt cho công nhân, lao động ở trọ; tổ chức các chương trình bán hàng bình ổn thị trường, hội chợ tại các khu lưu trú, nhà trọ, địa bàn có đông công nhân, lao động; đưa vào hoạt động 7 siêu thị, 2 cửa hàng tiện ích, 5 phòng khám đa khoa tại các khu chế xuất, khu công nghiệp; các hoạt động hỗ trợ công nhân, người lao động về quê hay ở lại TP nhân các dịp lễ, tết; khuyến khích các khu du lịch, công viên văn hóa, bảo tàng, nhà hát tặng vé miễn phí cho công nhân, lao động… góp phần đảm bảo nhu cầu vật chất, sinh hoạt tinh thần và môi trường sống lành mạnh cho công nhân, người lao động.

- Xin cảm ơn đồng chí.

HỒNG HIỆP (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục