Vì một Seoul trong sạch hơn

Cấm xe hơi chạy bằng dầu diesel có lượng xả thải ở mức 4 đi vào 4 cửa ngõ của thành phố từ năm 2025; xúc tiến thay thế toàn bộ xe tải, xe máy giao hàng sang xe điện… là những giải pháp nằm trong đối sách tổng hợp mang tên Clearer Seoul 2030 (Vì một Seoul trong sạch hơn 2030) của chính quyền TP Seoul, nhằm cải thiện chất lượng không khí tại thủ đô của Hàn Quốc.
Bụi mịn bao phủ Seoul trong tháng 2-2022. Ảnh: YONHAP
Bụi mịn bao phủ Seoul trong tháng 2-2022. Ảnh: YONHAP

Theo quy định hiện hành, chỉ có ô tô chạy bằng dầu diesel có lượng xả thải mức 5 mới bị cấm đi vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên, từ năm 2025, chính quyền TP Seoul sẽ mở rộng đối tượng cấm là xe có lượng xả thải mức 4 đi vào khu vực giao thông xanh nằm phía trong 4 cửa ngõ Seoul. Sau đó, thành phố sẽ mở rộng khu vực cấm ra toàn bộ thủ đô từ năm 2030. Từ năm 2023, thành phố sẽ hỗ trợ 4 triệu won (2.780 USD)/chiếc (mỗi năm là 10.000 chiếc) nếu chủ phương tiện tiêu hủy sớm ô tô chạy bằng dầu diesel có lượng phát thải mức 4. Theo giải thích của chính quyền thành phố, ô tô loại này có lượng phát thải bụi mịn cao gấp gần 6 lần so với xe phát thải mức 3. 

Cùng với đó, Seoul có kế hoạch chuyển đổi toàn bộ xe máy giao hàng sang xe điện cho tới năm 2025, xe buýt tuyến ngắn và xe tải chở hàng chạy bằng dầu diesel sang xe điện cho tới năm 2026. Để làm được điều này, chính quyền thành phố sẽ hỗ trợ chi phí tiêu hủy sớm xe buýt tuyến ngắn ở mức 100 triệu won (69.500 USD)/xe. Bên cạnh đó, Seoul sẽ ký biên bản ghi nhớ về việc ưu tiên cung cấp xe điện giao hàng với các công ty chuyển phát; hỗ trợ đóng bảo hiểm với chi phí thấp cho tài xế giao hàng bằng xe máy, nhằm khuyến khích họ chuyển sang sử dụng xe điện. 

Với các biện pháp trên, Seoul đặt mục tiêu chuyển đổi hơn 45.000 xe trên tổng số hơn 80.000 ô tô chạy bằng dầu diesel phát thải mức 4 sang xe điện. Thành phố cũng sẽ tăng cường hợp tác với chính quyền 2 địa phương lân cận là tỉnh Gyeonggi và TP Incheon, để chuyển đổi xe buýt từ 2 địa phương này đi vào Seoul thành xe điện hoặc xe chạy bằng khí nén thiên nhiên từ nay cho tới năm 2026. Ngoài ra, 3,01 triệu nồi hơi nước dùng cho các hộ gia đình tại thủ đô Hàn Quốc sẽ được thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường vào năm 2030; các máy xây dựng công trường cũ sẽ hạn chế sử dụng... 

Clearer Seoul 2030 là dự án tiếp nối của Clear Seoul 2010. Thông qua đối sách tổng hợp lần này, chính quyền Seoul đặt mục tiêu cải thiện nồng độ bụi mịn trong trung tâm thành phố bằng với tiêu chuẩn môi trường không khí quốc gia cho tới năm 2026, và bằng tiêu chuẩn ở các đô thị lớn trên thế giới cho tới năm 2030. 

Theo tờ Korea JoongAng Daily, chính quyền Seoul dự chi 2,6 tỷ USD cho dự án này. Việc thực hiện dự án cũng tạo ra khoảng 28.000 việc làm. Tuy nhiên, Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon cảnh báo nỗ lực của riêng chính quyền TP Seoul không đủ để giữ cho bầu trời thủ đô Hàn Quốc trong xanh. “Trong các nguồn gây ô nhiễm không khí ở Seoul, khoảng 26% do chính thành phố tạo ra, 30% là từ khu vực lớn hơn xung quanh thủ đô và 40% từ Trung Quốc. Việc hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề này rất quan trọng. 10 năm trước, có một cơ quan tham vấn gồm các thị trưởng của Seoul, Tokyo (Nhật Bản) và Bắc Kinh (Trung Quốc) thường xuyên gặp nhau để thảo luận về vấn đề chất lượng không khí. Vì một số lý do, các hoạt động đó giờ đã không còn được duy trì. Trong nhiệm kỳ của mình, tôi sẽ tìm xem có cách nào để nối lại hoạt động này”, ông Oh Se-hoon nói.

Tin cùng chuyên mục