Vì niềm tin và hy vọng

Một trong những ca khúc tôi yêu thích trong dòng nhạc kháng chiến là Bài ca hy vọng. Ca khúc được nhạc sĩ Văn Ký viết vào năm 1958, khi khói lửa đang bao trùm miền Nam.
Chú Nguyễn Đăng Khoa ngồi kéo violon trước sân nhà
Chú Nguyễn Đăng Khoa ngồi kéo violon trước sân nhà

Bài hát về niềm tin và hy vọng một ngày tươi đẹp sẽ tới trong tương lai không xa. Vào đầu những năm 2000, có dịp gặp nhạc sĩ ở Hà Nội tại nhà ông, ông chia sẻ với tôi: “Đây không chỉ là cảm xúc của tôi lúc ấy mà của rất nhiều người, hy vọng mùa đông và mây mù sẽ tan, chiến tranh sẽ sớm qua…”. Khi có dịp gặp một trong những nhân vật từng là tử tù Côn Đảo, nghe ông kể chuyện văn nghệ sau song sắt, Bài ca hy vọng là một trong những bài hát được người tù cộng sản yêu thích chọn hát cho nhau nghe.

                                                                     * * *

 Khi nói về niềm tin và sự hy vọng, tôi thường nghĩ ngay tới chú Khoa, một nghệ sĩ không chuyên, thương binh hạng nặng mà tôi gặp trong một hội diễn của các cô chú thương binh. Chú Nguyễn Đăng Khoa (ở Nam Đàn, Nghệ An) được nhiều người gọi là người nghệ sĩ tài hoa khi là thương binh hạng nặng nhưng chơi được tới 4 nhạc cụ cùng lúc.

Âm nhạc trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của chú. Mỗi sớm mai thức dậy, khi trời còn mát dịu, chú thường ngồi thổi kèn, thổi sáo hay kéo violon trước nhà. Bên chú là dăm ba cháu nhỏ háo hức nghe nhạc, gần đó là người vợ tảo tần, nét mặt đầy chân chim nhưng ánh mắt ấm, tươi, rạng rỡ. Một ngày của người thương binh già luôn xoay quanh hai việc: chơi đàn, thổi sáo và dạy các cháu nhỏ quanh nhà học. Chú vui với cuộc sống bình dị ấy.

Nhưng ít ai biết, ở những năm tuổi hai mươi, là giai đoạn đẹp nhất cuộc đời, chú từng sống trong những ngày chán nản cực độ khi chìm mải miết trong bóng đêm. Trước đó, học xong lớp 12, gác lại ước mơ làm anh kỹ sư điện tử, cậu học sinh giỏi Đăng Khoa dù số cân không đủ quy định vẫn quyết bỏ thêm đá vào túi áo, túi quần, tình nguyện lên đường vào Nam. Cả tiểu đội chú hy sinh ở Quảng Bình, chỉ còn lại chú với thân thể rách nát, hai mắt mù, xương gãy…

Những ngày ấy thật đáng sợ. Chú Khoa bị ám ảnh tới mức cứ trở mình dậy sau một đêm dài là chói tai bởi những tiếng la hét của những đồng đội bị thương nặng. Những tiếng hét ấy khiến cơn đau của chú càng quặn buốt. Những lúc không có tiếng la hét, chú nghĩ về quê, về người vợ vừa cưới chưa kịp sinh con sau một lần về phép. Càng nghĩ chú lại càng thêm đau khi mặc định mình là người vô dụng, thừa thãi trong xã hội.

Điều lạ là để chấm dứt những ngày tồi tệ ấy, không ai ngờ lại là do những sẻ chia trong ca khúc của một nhạc sĩ. Trong một buổi sáng trở dậy, tiếng la hét gần như không có, chỉ có tiếng kèn harmonica du dương với lời ca: “Ôi ngày ấy sẽ đến, anh sẽ về, sẽ về, phải không anh…” (bài hát Mùa xuân, sáng tác Phạm Minh Tuấn, phỏng thơ Elena Shirman). Người thương binh cảm nhận được niềm tin bất diệt trong một câu hát đầy cảm xúc. Khi những giai điệu dịu dàng ở câu ca cuối cùng: “Và anh nói tặng em mùa xuân”, thì chú đã nhận ra mùa xuân đang thật đẹp ở quanh mình.

Chú Khoa đã quyết tâm học nhạc; nhiều thương binh cũng quyết tâm học nhạc sau buổi nói chuyện của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn ngày ấy. Những sáng mai thức giấc của họ không còn nhiều tiếng la hét khi họ biết lắng nghe nhiều hơn tiếng nhạc, tiếng hát. Họ tìm lại được niềm tin yêu vào cuộc sống, vào chính mình mà tưởng như bị bom đạn vùi dập mất. Họ cũng thấy cuộc sống nhẹ nhõm hơn khi lắng nghe những tiếng chim câu gù trên mái, khi hít hà một nụ hoa thơm vừa bung nở ban mai. Cũng như chú Khoa, họ trở về với gia đình, bắt đầu những công việc mới trong tâm trạng yêu đời.

                                                                     * * *

 Tháng tư, không phải vô tình mà tôi thường nhớ tới câu chuyện tìm về nhà của người bạn cũ của bố chồng tôi. Vào những năm 1973-1974, khi chiến tranh gần kết thúc, bố và một đồng đội nữa sống trong một gia đình lạ ở Tây Nguyên. Điều đáng nói, đó là gia đình có con trai đi lính Việt Nam Cộng hòa. Hai anh bộ đội miền Bắc hẳn nhiên biết rất rõ điều đó. Tuy vậy, hoàn cảnh, công việc khiến họ vẫn ở lại với suy nghĩ: sống với những ông bố, bà mẹ, những người anh em mà mình đã đến gặp, tin yêu này nhất định sẽ ổn.

Bố chồng kể, có hôm, nửa đêm cả hai anh lính trẻ thức dậy vì nghe tiếng… mài dao dưới bếp vọng lên. Có lần không nói ra nhưng họ vẫn ngay ngáy nghĩ tới tình huống đụng đầu với anh lính đối phương trong cùng mái nhà của họ… Nhưng, đúng như cảm nhận của họ về niềm tin và sự yêu thương, những anh bộ đội như bố và đồng đội bình an đi qua chiến tranh, trong những hoàn cảnh tưởng chừng rất éo le.

Sau chiến tranh, hàng chục năm sau, ông mất liên lạc với gia đình ở Tây Nguyên đó. Bố chồng kể, trong một lần vào Sài Gòn, cũng vào tháng tư, anh chị em, con cháu kiếm tìm bằng mọi cách: hỏi han người quen, lục tung các danh bạ điện thoại để tìm tên người quen cũ… Mọi việc tưởng như đi vào ngõ cụt nhưng không hiểu sao ông vẫn chắc mẩm nói với mọi người: rồi sẽ tìm được thôi - và cuối cùng, ông tìm lại được người xưa tại Bình Dương, chỉ cách hơn 20 cây số.

Điều bất ngờ, khi tìm lại được, con của anh lính Cộng hòa năm xưa là bạn học chung lớp đại học của tôi. Bạn kể, các anh em nhà bạn vẫn còn giữ rất nhiều năm sau đó cuốn sổ tay, cây bút máy mà bố chồng tôi tặng, với niềm yêu thương mỗi khi nhớ về.

Bố chồng tôi vẫn thường có cuộc hẹn với gia đình từng nuôi mình trong kháng chiến, vào những ngày tháng tư. Họ bùi ngùi với những chuyện cũ, chuyện mới. Họ thiết thân với nhau như những người ruột thịt tìm về. Chỉ là cuộc hẹn tháng tư thôi, nhưng cho chúng tôi bài học ân tình.

                                                                      * * *

Tôi vẫn nghĩ tới những câu chuyện niềm tin từ những con người đi qua chiến tranh khốc liệt, sống giữa lằn ranh sống chết. Nhớ mãi lời của bố chồng tôi rằng, trong những nghịch cảnh, niềm tin thường rất chính xác… 

Tin cùng chuyên mục