Vi phạm PCCC, dễ lãnh án tù

Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đang lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 311, Điều 312 và Điều 313 Bộ luật Hình sự hiện hành (viết tắt là dự thảo). Cơ quan soạn thảo làm rõ nhiều nội dung liên quan đến tội danh “Vi phạm quy định về PCCC” tại Điều 313, Bộ luật Hình sự.

Theo đó, vi phạm quy định về PCCC là việc thực hiện những hành vi bị nghiêm cấm hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nội quy, quy định trong công tác PCCC do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành đúng luật định. Cơ quan chức năng có thể định tội đối với một trong những tình tiết ở khoản 7, Điều 3 trong dự thảo với điều kiện: người vi phạm từng chịu xử phạt hành chính về một trong những hành vi này; hoặc đã bị kết án tù nhưng chưa xóa án tích về tội cố ý hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Khoản 7, Điều 3 dự thảo này liệt kê 20 tình tiết định tội vi phạm quy định về PCCC. 

Hướng dẫn thi hành Điều 311 (tội “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc”), dự thảo chỉ rõ tàng trữ trái phép chất cháy, chất độc là hành vi cất giữ chất cháy, chất độc mà không có sự cho phép từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vận chuyển trái phép chất cháy, chất độc là hành vi chuyển dịch chất cháy, chất độc từ nơi này đến nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác… mà không có mệnh lệnh từ người có thẩm quyền hoặc giấy phép vận chuyển do cơ quan có thẩm quyền cấp. 

Tương tự, pháp luật cáo buộc hành vi sử dụng trái phép chất cháy, chất độc đối với cá nhân, tổ chức sử dụng chất cháy, chất độc mà không có giấy phép hoặc không được phép của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu mua bán trái phép chất cháy hoặc chất độc. 

Điều 313, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định tội “Vi phạm quy định về PCCC”: 

1. Người nào vi phạm quy định về PCCC gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2-5 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61%-121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 5-8 năm:

a) Làm chết 2 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122%-200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7-12 năm:

a) Làm chết 3 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về PCCC trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Như vậy, nếu vi phạm quy định về PCCC, người phạm tội có thể đối mặt với mức án cao nhất là 12 năm tù.

Tin cùng chuyên mục