Vi phạm vẫn hoàn vi phạm

Mới dây, tác giả Ngô Bá Hòa lên tiếng khi thấy bài thơ Chiếc áo của cha của mình xuất hiện trong cuốn sách Ngữ văn 7 - Đề ôn luyện và kiểm tra (Dùng ngữ liệu ngoài SGK) do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành mà không hề xin phép. 

Sách do Đào Phương Huệ giữ vai trò chủ biên cùng các cộng sự: Trần Thị Thành, Nguyễn Thị Thúy Hồng và Bùi Thị Trang. Chia sẻ trên trang cá nhân, tác giả Ngô Bá Hòa bức xúc: “So với lĩnh vực phát thanh - truyền hình và âm nhạc, ở lĩnh vực in ấn, xuất bản, tôi thấy vấn đề bản quyền văn học bị xâm phạm nhiều nhất. Các tác giả, nhóm tác giả biên soạn những cuốn sách “tuyển chọn”, “tổng hợp”, các tác phẩm hay trong năm và đặc biệt là tác phẩm đưa vào sách tham khảo, sách bài tập kèm bộ SGK của Bộ GD-ĐT đã liên tục “quên” tác giả. Họ đem tác phẩm đi đâu, làm gì tác giả không hề hay biết. Cái này rất nhiều đồng nghiệp của tôi cũng bị “bế” tác phẩm đi mà đến khi vô tình gặp mới biết”.

Giống như tác giả Ngô Bá Hòa là trường hợp của nhà văn Uông Triều. Anh cũng chỉ biết tác phẩm của mình in vào sách khi sự đã rồi. Đó là bài viết Ngày suy tàn của sách giấy? in trong cuốn sách Đọc hiểu mở rộng văn bản Ngữ văn 11 - Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành (PGS-TS Bùi Minh Đức giữ vai trò Tổng Chủ biên, TS Nguyễn Thị Tình và TS La Nguyệt Anh giữ vai trò đồng chủ biên, cùng các cộng sự: TS Nguyễn Thị Vân Anh, TS Trần Thị Hạnh Phương và TS Thành Đức Bảo Thắng). Cùng với đó là truyện ngắn Kiếm sắc và hoa đào in trong cuốn Đọc hiểu mở rộng văn bản Ngữ văn 8 - Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành... 

Thực ra, với không ít người viết, việc tác phẩm in ở đâu, nhuận bút bao nhiêu không quan trọng; thậm chí, họ hoàn toàn có thể “cho không biếu không”, miễn có được lời nói đàng hoàng và tử tế. Giống như chia sẻ của tác giả Ngô Bá Hòa: “Vấn đề chẳng có gì đáng nói nếu như nhóm biên soạn nhắn tin, gọi điện, gửi email xin phép hoặc cho tác giả biết mục đích sử dụng tác phẩm ấy thì mọi chuyện đã quá nhẹ nhàng”. 

Tuy nhiên, trên thực tế, trường hợp tác giả tình cờ phát hiện tác phẩm của mình bất ngờ in trong một cuốn sách nào đó không còn là chuyện xưa nay hiếm. Đặc biệt, với NXB Giáo dục Việt Nam, đây không phải là lần đầu tiên bởi thực tế từng có nhiều tác giả lên tiếng về tình trạng này. Ấy vậy mà vi phạm vẫn hoàn vi phạm. Hành vi này rõ ràng đã xâm hại đến quyền tác giả mà bản thân những người đang hoạt động trong giới xuất bản lẽ ra phải làm gương trước nhất! 

Tin cùng chuyên mục