Vì sao có IMF trong kế hoạch cứu Hy Lạp?

Một kế hoạch giải cứu Hy Lạp vừa được 16 nước thuộc khu vực đồng EUR (ERZ) thông qua, theo đó một nguồn vốn đa phương sẽ được bơm vào Hy Lạp. Điều đáng nói là 15 nước đóng 2/3 nguồn vốn, số còn lại 1/3 từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Một kế hoạch giải cứu Hy Lạp vừa được 16 nước thuộc khu vực đồng EUR (ERZ) thông qua, theo đó một nguồn vốn đa phương sẽ được bơm vào Hy Lạp. Điều đáng nói là 15 nước đóng 2/3 nguồn vốn, số còn lại 1/3 từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Từ trước tới nay, nhiều nước EU, đứng đầu là Pháp không muốn cậy nhờ vào IMF để cứu một thành viên của ERZ. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy từng cho rằng phải trông cậy vào IMF chứng tỏ EU quá yếu đuối, không thể tự giải quyết các vấn đề của mình. Vì vậy kế hoạch giải cứu Hy Lạp giờ đây có sự tham gia của IMF được cho là một sự nhượng bộ của Pháp.

Người Đức xưa nay nổi tiếng với sự chính xác. Chi tiêu cũng vậy. Tất nhiên, họ không muốn tiền thuế của người dân dễ dàng đổ vào cứu các “cối xay tiền”. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy phải nhượng bộ trước Thủ tướng Đức Angela Merkel là vì nước Đức luôn đứng đầu EU về đóng góp ngân sách.

Thủ tướng Angela Merkel đã đề xuất đưa IMF vào kế hoạch giải cứu Hy Lạp và cho rằng các thành viên EU nên nghiêm khắc với nhau, không thể ồ ạt đổ tiền vào Hy Lạp một cách dễ dàng. Trong kế hoạch cứu Hy Lạp có quy định khi nào nền kinh tế Hy Lạp không còn trụ được, các nước mới đổ tiền vào.

Thủ tướng Đức Merkel hẳn có lý khi không muốn để một mình đồng EUR chịu nguy cơ mất giá thông qua kế hoạch giải cứu này. Đưa IMF vào là cách để san sẻ bớt khó khăn. Một khi Hy Lạp được giải cứu, các nền kinh tế khác đang thâm hụt ngân sách lớn trong EU như Tây Ban Nha, Italia, Bồ Đào Nha cũng có nguy cơ nối gót, nếu chỉ một mình đồng EUR gánh vác, xem ra sẽ là nguy cơ lớn mà nước Đức sẽ chịu đựng nhiều nhất.

Phát biểu sau khi EU đạt thỏa thuận cứu Hy Lạp, Thủ tướng Đức Merkel nói: “Tôi nghĩ là châu Âu chứng minh được khả năng hành động trước một vấn đề lớn, cùng lúc vừa bảo vệ sự ổn định của đồng EUR vừa chứng minh sự đoàn kết với một đất nước đang khó khăn”.

Đây được xem là thắng lợi của Thủ tướng Merkel và rõ ràng là cuộc bầu cử khu vực tại Đức vào tháng 5 tới cũng ít nhiều tác động vào chính sách của Đức với Hy Lạp. Tạp chí Spiegel của Đức viết: “Chiến thắng của Angela Merkel, châu Âu đã chấp nhận một kế hoạch khẩn cấp cứu Hy Lạp dựa trên những điều kiện của bà”. Tờ tạp chí cho biết bà thường tìm thỏa hiệp ở Brussels nhưng lần này thì không. 

Về phía Pháp, người ta thấy sự nhượng bộ của Tổng thống Pháp cũng xuất phát từ thất bại của đảng cầm quyền Liên minh vì Phong trào Nhân dân tại 21/22 khu vực trong cuộc bầu cử địa phương ở Pháp vừa qua. Theo một cuộc thăm dò mới nhất tại Pháp, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Sarkozy đang ở mức rất thấp so với Thủ tướng Francois Fillon - 29% so với 65%. Giám đốc IMF, Dominique Strauss-Kahn, thành viên đảng Xã hội Pháp cũng vượt ông Sarkozy với 50% ủng hộ. Ông Strauss-Kahn từng tuyên bố sẽ rút ngắn nhiệm kỳ tại IMF để ra ứng cử tổng thống Pháp vào năm 2012. 

Cỗ xe tam mã Đức-Pháp-Anh luôn là bệ phóng của những chính sách áp dụng cho toàn EU. Lần này, người ta không thấy sự hiện diện của Anh vì đơn giản Anh không tham gia ERZ. Kế hoạch giải cứu Hy Lạp một lần nữa phản ánh điều đó. Điều chắc chắn rằng không một nhà lãnh đạo Pháp hay Đức nào có thể đánh đổi sinh mệnh chính trị của họ ngay tại nước mình để vì một nước thành viên khác.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục