Trước tình trạng đấu đá đảng phái dẫn tới bế tắc suốt 2 năm qua kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2012, hơn 100 triệu cử tri Mỹ tham gia cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 4-11 vẫn đắn đo với câu hỏi nên đặt niềm tin vào đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ?
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối mặt nhiều khủng hoảng với những ca lây nhiễm Ebola trong nước, mối đe dọa từ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cùng các vấn đề như chương trình Obamacare, số lượng trẻ em di cư vào Texas gia tăng, vụ bê bối tại Bộ Cựu chiến binh Mỹ và bạo loạn sắc tộc ở Ferguson, Missouri.
Theo các kết quả thăm dò dư luận, đảng Cộng hòa nhiều khả năng giữ được quyền kiểm soát Hạ viện, nơi họ đang có 233 ghế so với 199 ghế của đảng Dân chủ. Tại Thượng viện, đảng Dân chủ đang nắm giữ 53 ghế, đảng Cộng hòa 45 ghế cộng với 2 ghế độc lập. Trong ngày 4-11, trong 36 ghế Thượng viện phải bầu lại có 21 ghế của đảng Dân chủ và 15 ghế của đảng Cộng hòa. Ngoài các ghế tại lưỡng viện Quốc hội còn có 36/50 ghế thống đốc bang phải bầu lại. Đảng Cộng hòa hiện nắm 29 ghế thống đốc bang so với 21 ghế của đảng Dân chủ. Khi người dân được hỏi liệu họ sẽ bỏ phiếu cho đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, 50% cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa và 44% nghiêng về phía đảng Dân chủ.
Trang FiveThirtyEight chuyên phân tích khảo sát về chính trị cho rằng cơ hội thắng cử của đảng Cộng hòa tại Thượng viện hiện là 62,3%, trong khi cơ hội của đảng Dân chủ chỉ 37,7%. Với tình thế hiện nay, không loại trừ khả năng một số ghế sẽ phải bỏ phiếu vòng 2 mới phân định thắng bại. Do cuộc đua tại một số bang khá quyết liệt và sự cách biệt giữa các ứng cử viên của 2 đảng không lớn nên hiện vẫn tồn tại khả năng kết quả bầu cử Thượng viện phải tới đầu năm 2015 mới được phân định.
Cử tri Mỹ đắn đo còn vì Quốc hội hiện nay bị chê là hoạt động kém hiệu quả nhất trong lịch sử. Chính trường Mỹ, trong 6 năm ông Barack Obama cầm quyền, luôn lâm vào tình trạng bế tắc tới mức hầu hết các vấn đề đối nội cấp bách từ chi tiêu ngân sách, cải cách luật nhập cư đến kiểm soát súng đạn, cải cách hệ thống bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe… đều không tìm ra được lối thoát. Kết quả thăm dò chung của CNN/ORC International cho biết trong hơn 1.200 cử tri được hỏi ý kiến có tới 83% nói rằng họ không ủng hộ cách thức làm việc của lưỡng viện, trong đó 65% cho rằng hiệu quả hoạt động hiện nay là “tệ hại nhất trong lịch sử”, trong khi chỉ có 14% ngả theo hướng ủng hộ. Ngoài việc uy tín của Tổng thống Obama giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, các ứng cử viên của đảng Dân chủ cũng đang đứng trước chiều hướng không mấy thuận lợi khi có tới 7% số nhóm cử tri “ruột” (gồm những người trẻ tuổi, phụ nữ và sắc tộc ít người - từng giúp ông Obama tái đắc cử vào tháng 11-2012) nói rằng họ không hứng thú đi bỏ phiếu. Trong khi đó, tỷ lệ cử tri trong các khối cử tri nòng cốt của đảng Cộng hòa (gồm những người cao tuổi và bảo thủ) hứng thú đi bỏ phiếu tăng từ 16% năm 2012 lên 27% trong cuộc bầu cử năm 2014.
VIỆT ANH