Hãng tin AFP đưa tin, các chuyên gia về vũ khí hóa học của LHQ đã hoãn chuyến đi tới Syria do bất đồng với Damascus về cách điều tra các vụ tấn công bằng loại vũ khí này. Một nhà ngoại giao cho biết đã có trì hoãn vì các chuyên gia “muốn có những đảm bảo về phương thức điều tra”. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cho biết Mátxcơva dự đoán hội nghị quốc tế về Syria (gọi tắt là Geneve-2) khó có thể nhóm họp vào tháng 9.
Chưa đúng lúc?
Hội nghị Geneve-2 đã bị hoãn lần đầu vào tháng 6 và nguyên nhân trì hoãn lại thuộc về bên thứ 3. Ông Gatilov cũng tiết lộ, ông sẽ tham dự cuộc gặp trù bị Nga - Mỹ vào cuối tháng 8 để chuẩn bị cho hội nghị trên. Đại diện ngoại giao hai nước phụ trách các vấn đề chính trị cùng Đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford sẽ thảo luận về thành phần của phái đoàn Syria tại hội nghị quốc tế trên và các vấn đề khác.
Theo giới quan sát, trở ngại lớn nhất để triệu tập hội nghị thiết lập lại hòa bình tại Syria là việc thay đổi cán cân lực lượng quân sự trong nước. Hội nghị Geneve-2 là một hình thức chia sẻ tầm ảnh hưởng giữa Nga và Mỹ trong cục diện Syria và đàm phán hòa bình chỉ có thể diễn ra khi cán cân được cân bằng trở lại trong cục diện đó. Ngoại trưởng Nga S.Lavrov cho biết nhiệm vụ ưu tiên cho hội nghị về hòa bình tại Syria phải là chuyển hướng mục tiêu các lực lượng quân sự nước này sang tấn công các nhóm khủng bố.
Không đổi bạn lấy tiền
Trang mạng Agentura.ru dẫn nguồn tin từ các nhà ngoại giao cho biết, Nga đã bác bỏ đề xuất của Saudi Arabia về việc chấm dứt ủng hộ Tổng thống Syria để đổi lấy một thỏa thuận vũ khí lớn và cam kết tăng cường ảnh hưởng của Nga trong thế giới Ảrập. Người đứng đầu cơ quan tình báo Saudi Arabia, Hoàng tử Bandar bin Sultan đã hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mátxcơva.
Một nhà ngoại giao châu Âu thường xuyên đi lại giữa Beirut và Damascus cho biết: “Trong cuộc hội đàm, ông Bandar bin Sultan nói với ông V.Putin rằng Ryadh sẵn sàng giúp Mátxcơva đóng vai trò lớn hơn tại Trung Đông, trong thời điểm Mỹ đang giảm dần sự can dự ở khu vực này”. Nguồn tin này cũng cho biết ông Bandar đề xuất Saudi Arabia sẽ mua vũ khí của Nga trị giá 15 tỷ USD đồng thời đảm bảo rằng “bất kể chế độ nào được dựng lên” sau khi ông Assad sụp đổ sẽ “hoàn toàn” nằm trong tầm ảnh hưởng của Saudi Arabia, điều này sẽ có lợi ngành xuất khẩu khí đốt của Nga.
Theo một nhà ngoại giao Ảrập có mối quan hệ với Mátxcơva, Tổng thống Putin cho biết đất nước Nga sẽ không thay đổi chiến lược của mình. Nguồn tin này còn cung cấp, Hoàng tử Bandar bin Sultan sau đó đã nói với các quan chức Nga rằng giải pháp duy nhất còn lại cho Syria là quân sự và Nga nên quên đi hội nghị Geneve-2 vì phe đối lập tại Syria (vốn phụ thuộc vào nguồn tài trợ của Saudi Arabia) sẽ không tham dự. Đây là lý do chính dẫn tới việc Geneve-2 luôn bị trì hoãn.
Mặc dù Nga không đưa ra tuyên bố chính thức nào sau cuộc gặp nói trên, song các chuyên gia Nga cho rằng Tổng thống Putin dường như đã bác bỏ đề xuất của Saudi Arabia. Chuyên gia quân sự Alexander Goltz, làm việc cho tờ báo mạng Ejednevny của phe đối lập, cho rằng “sự ủng hộ đối với ông Assad là một vấn đề mang tính nguyên tắc đối với Tổng thống Vladimir Putin. “Món mồi nhử” 15 tỷ USD - số tiền lớn bằng doanh thu trong 2 năm của Rosoboronexport (tập đoàn xuất khẩu vũ khí của Nga) - chẳng gây được tác động nào”.
Chuyên gia an ninh độc lập Andrei Soldatov, người điều hành trang web Agentura.ru, nói: “Những thông tin này chỉ nhằm làm ông Assad và chính phủ của ông cảm thấy bất ổn. Và đừng quên rằng Saudi Arabia sẽ phải mất nhiều năm mới thực hiện được những lời hứa của họ”.
VIỆT ANH (tổng hợp)