Việc TPHCM chủ trương lấy năm 2008 là năm vận động thực hiện văn minh đô thị là rất cần thiết. Thậm chí, như thế đã là hơi muộn màng so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, ngay khi chủ trương này được triển khai, tôi đã cảm thấy với cách làm như hiện nay kết quả sẽ rất hạn chế, chỉ như đá ném ao bèo thôi. Và kết quả tổng kết 6 tháng thực hiện văn minh đô thị vừa qua cũng đã nói lên điều đó: Chuyển biến hình như rất ít!
Vậy nguyên nhân nằm ở đâu? Theo tôi, kết quả nghèo nàn đó xuất phát từ 5 vấn đề chính sau:
- Một là, nếp sống văn minh của người dân không được xây dựng từ gốc rễ. Chương trình giáo dục phổ thông không hề chú trọng tới vấn đề này. Sách Giáo dục Công dân quá thiên về triết học cao siêu, thiên về liệt kê luật pháp mà thiếu đi những bài học xây dựng nếp sống văn minh cho giới trẻ.
- Hai là, nhiều chục năm qua xã hội thiếu quan tâm tới đề tài văn hóa văn minh đô thị - quan điểm này chính là hệ quả của nguyên nhân thứ nhất ở trên. Ai ai cũng cho rằng việc lấn chiếm lòng lề đường, việc xả rác... là việc chẳng chết ai, là việc rất bình thường! Thậm chí, kể cả các phương tiện truyền thông (báo chí, ti vi...) cũng rất thờ ơ với đề tài này.
Một vấn đề hệ trọng như thế nhưng báo chí chỉ dành một lượng vô cùng bé nhỏ so với tin tức của Euro 2008 hay giải ngoại hạng Anh... Cái này có một phần lỗi của cơ quan nhà nước trong việc định hướng truyền thông.
- Ba là, cách thức tuyên truyền chủ trương này tới người dân quá nghèo nàn, thiếu hấp dẫn và không đa dạng. Kể cả nội dung tuyên truyền cũng hầu như không gợi lên cho người dân sự “bức xúc, sự lo lắng, sự xấu hổ, tinh thần trách nhiệm hay sợ hãi” nào.
Một số băng rôn treo trên đường chỉ có một điệp khúc “bạn không nên”, “bạn nên...” mà thiếu đi những câu khác quan trọng hơn nhiều. Ví dụ như “vì sao nên/phải như thế?”, “nếu bạn không làm thế thì bạn sẽ là một người như thế nào, bị phạt như thế nào, thành phố mình, đường sá, môi trường... sẽ ra sao? Thành phố mình, đất nước mình sẽ bị bạn bè quốc tế coi thường, bị sỉ nhục, chê cười ra sao...?”
- Bốn là, cơ chế giám sát - xử phạt rất yếu! Thử hỏi có cán bộ nào, cơ quan nào nhiệt tình, hào hứng với việc đi giám sát - xử phạt vi phạm văn minh đô thị 24/24 giờ không? Câu trả lời tới 99,99% là không! Mà không ai xử phạt thì sẽ có rất ít người bị phạt. Kết quả, không bị phạt thì không ai sợ cả! Bên cạnh đó, mức xử phạt cũng cần phải xem lại.
Nhiều người cho rằng các mức xử phạt như hiện nay là quá nhẹ! Phải làm sao cho người/cơ quan có thẩm quyền giám sát, xử phạt thực sự hào hứng đi giám sát, xử phạt thì khi ấy các quy định về chế tài mới hiệu quả. Ví dụ như ta tổ chức phân quyền, đâu nhất thiết phải là công an/công chức đi tuần tra xử phạt? Xã hội hóa việc quản lý vỉa hè, lòng đường được không? Hay có cơ chế thưởng, phân bổ tiền thu từ phạt vi phạm thật thoáng...
- Năm là, TPHCM có vẻ hơi thiếu thực tế khi văn minh đô thị trì trệ cả nhiều chục năm qua mà chúng ta định “kết liễu” chỉ trong 1 năm là rất khó! Văn minh đô thị bao gồm nhiều mảng như trật tự lòng đường, vỉa hè, không xả rác, cư xử lịch sự nơi công cộng... Đụng vào vấn đề nào cũng đều gai góc. Chỉ trong 1 năm chúng ta không thể nào đủ nguồn lực để làm (tài chính, con người, phương tiện, mức độ tiếp nhận của người dân...).
Lẽ ra TPHCM nên đặt ra một lộ trình nhẹ nhàng hơn. Ví dụ, năm 2008 sẽ dốc toàn lực để “đánh” tan tình trạng lấn chiếm lòng đường - vỉa hè, năm 2009 thì “đánh” vào vấn nạn xả rác nơi công cộng, năm 2010 thì “đánh” tình trạng tiểu tiện lung tung + in quảng cáo nơi công cộng...
Năm nguyên nhân này, nếu nghiêm túc phân tích sâu hơn và khắc phục thì tôi tin rằng chủ trương văn minh đô thị tại TPHCM sẽ có chuyển biến rõ rệt.
SỸ CÔNG
Các tin, bài viết khác
-
Bãi giữ xe tự phát “chặt” khách
-
Sang nhượng đúng bị quy chiếm đất
-
Cần thấu tình, đạt lý
-
Thấp thỏm nỗi lo cháy nổ
-
Cần xử lý nghiêm tình trạng “xe dù, bến cóc”
-
Tái diễn đòi nợ kiểu khủng bố tinh thần
-
Cẩn trọng chọn thực phẩm ngày tết
-
Thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát: Xác định lộ trình và chính sách hỗ trợ
-
Ngăn ngừa tai nạn do chó thả rông
-
Người dân bức xúc vì ô nhiễm