Vì sao lao động nông thôn chưa thích học nghề?

Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đã được Chính phủ phê duyệt gần 2 năm và chính thức triển khai thực hiện được hơn 1 năm với tổng kinh phí trên 32.000 tỷ đồng, trong đó trên 25.500 tỷ đồng được chi hỗ trợ LĐNT học nghề.

Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đã được Chính phủ phê duyệt gần 2 năm và chính thức triển khai thực hiện được hơn 1 năm với tổng kinh phí trên 32.000 tỷ đồng, trong đó trên 25.500 tỷ đồng được chi hỗ trợ LĐNT học nghề.

TPHCM cũng có lợi thế hơn so với các địa phương khác trong triển khai chương trình dạy nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn với khoảng 400 cơ sở dạy nghề phủ kín trên địa bàn với năng lực đào tạo hàng năm trên 40.000 học viên từ trình độ sơ cấp đến cao đẳng nghề.

TPHCM còn có các mô hình dạy nghề lưu động đối với vùng xa; dạy nghề phục vụ xuất khẩu lao động cho lao động vùng nông thôn; “dạy nghề tại hiện trường” và các mô hình đào tạo nông nghiệp không chính quy thường xuyên về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng áp dụng kỹ thuật mới...

Lợi thế là vậy nhưng hiệu quả dạy nghề cho lao động nông nghiệp đến nay vẫn chưa cao, hàng năm chỉ có khoảng 1.000 - 1.200 lao động trong số hàng trăm ngàn lao động ở khu vực nông thôn được đào tạo nghề, vì sao?  Trước hết phải nói đến cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề ở nông thôn hiện nay đã quá lạc hậu và lỗi thời. Nhiều cơ sở dạy nghề vẫn còn đưa những thiết bị dạy nghề từ những thập niên 70 – 80 của thế kỷ trước để cho học viên thực hành.

Tiếp theo đó, trình độ giáo viên, nhất là giáo viên dạy nghề ở các quận ven ngoại thành chưa cao, đầu tư chưa đúng mức. Có những trung tâm dạy nghề cấp quận, huyện không có giáo viên cơ hữu mà chỉ là giáo viên thỉnh giảng.

Bên cạnh đó, chương trình dạy nghề cũng chưa hợp lý, mỗi lao động chỉ được cấp thẻ học nghề 3 tháng. Một giáo viên thừa nhận rằng, với 3 tháng để đào tạo một nghề để tìm được việc là quá khó. Đơn cử, lớp đào tạo tin học, nếu chỉ cho phép đào tạo trong 3 tháng thì người học chỉ mới năm bắt được các vấn đề cơ bản, hay nói chính xác là mới làm quen được với máy tính chứ khó có thể mang kiến thức đó đi tìm việc và làm việc được.

Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐTB-XH TPHCM), thừa nhận, về năng lực đào tạo thì TPHCM không thiếu nhưng chất lượng đào tạo là vấn đề cần xem lại. Một số cơ sở dạy nghề thụ động ngồi chờ học viên đến đăng ký chứ không chủ động tìm kiếm doanh nghiệp để giải quyết đầu ra sau đào tạo. Nhiều lao động qua đào tạo chưa đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất kinh doanh, nhiều ngành nghề cần lao động có tay nghề không tuyển đủ nhân lực trong khi các trường nghề vẫn thiếu học viên.

Đào tạo nghề cho LĐNT là hướng đi đúng, chiến lược lâu dài nhưng cần xây dựng giáo trình, cơ sở vật chất phù hợp và hơn hết là dạy nghề cần gắn với tạo việc làm, không thể đào tạo theo kiểu chung chung, tổng hợp, không phân biệt độ tuổi, điều kiện từng người, từng vùng để khi học xong LĐNT có thể sử dụng được những kỹ năng đã học cho việc mưu sinh.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục