Vì sao phim ngôn tình được mùa?

Nếu như cách đây vài năm, phim Hàn Quốc gần như chiếm thế độc tôn với sức ảnh hưởng sâu rộng, thì nay một bộ phận lớn giới trẻ Việt lại chuyển hướng sang các bộ phim ngôn tình Trung Quốc. Trào lưu này đang phát triển rất mạnh.    
Khung 12 giờ trưa trên VTV3 hiện đang phát sóng Tình thiên thu (còn có tên gọi là Tam sinh tam thế thập lý đào hoa), một bộ phim ngôn tình cổ trang nổi tiếng của điện ảnh Trung Quốc.
Dù đã ra mắt cách đây khá lâu tại Trung Quốc, nhưng khi VTV mua lại bản quyền và lồng tiếng, phim vẫn nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Diễn viên đẹp, bối cảnh được đầu tư kỹ lưỡng, phục trang ấn tượng, khiến mối tình nhiều trắc trở nhưng kết thúc có hậu của cặp đôi thái tử Dạ Hoa và Bạch Thiển Thanh Khâu cuốn hút khán giả qua từng tập. Phiên bản điện ảnh của phim với sự tham gia của cặp đôi Lưu Diệc Phi - Dương Dương cũng vừa ra mắt đầu tháng 8 tại Việt Nam.  
Không phải đến Tam sinh tam thế thập lý đào hoa, cơn sốt phim ngôn tình Trung Quốc mới bùng phát mạnh mẽ như hiện nay. Một phần không nhỏ các phim ngôn tình Trung Quốc được chuyển thể từ những tác phẩm văn học nổi tiếng đã có sức ảnh hưởng và tiếng vang trước đó. Đây được xem là cách làm thông minh của các nhà làm phim Trung Quốc giúp họ “hốt bạc”.  
Khác với sức ảnh hưởng của phim Hàn Quốc trước đây, đa phần được phát trên các kênh truyền hình, phim ngôn tình Trung Quốc hiện nay rất dễ dàng theo dõi trên các trang xem phim trực tuyến.
Cũng bởi lý do đó, tốc độ lan truyền của thể loại này càng trở nên chóng mặt trong cộng đồng người hâm mộ. Khán giả của phim ngôn tình, đa phần là giới trẻ, trong đó có một bộ phận là dân công sở.
Từ phim ngôn tình, những khái niệm: “soái ca”, “boss đại nhân”... ngày càng trở nên phổ biến và trở thành câu nói cửa miệng của giới trẻ. Một số ý kiến cho rằng, do có nhiều điểm tương đồng về văn hóa nên phim ngôn tình Trung Quốc dễ thâm nhập.  
Xung quanh xu hướng bùng nổ phim ngôn tình hiện vẫn còn những luồng tranh cãi trái chiều. Số ủng hộ cho rằng, thể loại này đánh trúng tâm lý khán giả với những câu chuyện thú vị và trong một số trường hợp giúp người ta có niềm tin vào những câu chuyện tưởng chừng “chỉ có trong mơ”.
Trong khi số phản đối cho rằng, đó là những bộ phim tình cảm ướt át, không tưởng và phi thực tế, thậm chí còn ảnh hưởng đến nhận thức, tính cách một bộ phận giới trẻ. Mặc những tranh cãi trái chiều, phim ngôn tình Trung Quốc vẫn đang ngày một “ăn nên làm ra” và số lượng tăng theo từng năm.  
Chưa biết dòng phim này sẽ còn tiếp tục thắng thế như thế nào, nhưng nhìn vào thực tế trong nước, đã có không ít bộ phim mới được sản xuất theo thể loại này.
Có thể kể: 4 năm, 2 chàng, 1 tình yêu; Sứ mệnh trái tim; Hotboy nổi loạn 2: Yêu một người hơn cả sinh mệnh, Cho em gần anh thêm chút nữa; Taxi: Em tên gì?; Tuổi thanh xuân 1 và 2...
Bản thân phim ngôn tình không có lỗi, nếu nó là tác phẩm xuất sắc, chạm đến trái tim số đông khán giả. Đã có những bộ phim đưa đến cho khán giả thông điệp sống tích cực, lạc quan đáng được trân trọng. Tuy nhiên, nếu ngôn tình đưa khán giả vào thế giới huyễn hoặc, ảo mộng hoặc mang những nội dung tiêu cực, lệch lạc, không lành mạnh, điều đó cần xét lại một cách nghiêm túc và thẳng thắn.

Tin cùng chuyên mục