Vì sao sản phẩm của Vedan được tuyên dương vì sức khỏe cộng đồng?

Trong khi hậu quả gây ô nhiễm nghiêm trọng của Công ty Vedan trên sông Thị Vải chưa khắc phục xong thì 3 sản phẩm của công ty này lại được trao chứng nhận vì sức khỏe cộng đồng ngày 11-10 vừa qua. Đây là thông tin được truyền đi trên mạng và gây xôn xao dư luận trong mấy ngày vừa qua. Vậy thực hư vấn đề này thế nào?

Trong khi hậu quả gây ô nhiễm nghiêm trọng của Công ty Vedan trên sông Thị Vải chưa khắc phục xong thì 3 sản phẩm của công ty này lại được trao chứng nhận vì sức khỏe cộng đồng ngày 11-10 vừa qua. Đây là thông tin được truyền đi trên mạng và gây xôn xao dư luận trong mấy ngày vừa qua. Vậy thực hư vấn đề này thế nào?

Giấy chứng nhận chứ không phải giải thưởng?

Sự kiện này diễn ra tối 11-10 tại Nhà hát lớn TPHCM với tên gọi là lễ tuyên dương “Doanh nghiệp ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng xuất sắc năm 2009 và trao giải Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng” nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10. Chương trình được sự phối hợp tổ chức giữa Bộ KH-CN (cơ quan đại diện phía Nam) và Trung tâm Tư vấn phát triển thương hiệu và chất lượng TPHCM (NATUSI).

Công ty Vedan Việt Nam nằm trong số hơn 50 doanh nghiệp được “vinh danh” về các sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng tại tại buổi lễ này. Hội đồng xét thưởng còn có đại diện của Bộ Công thương, Bộ Y tế, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Công an...

Chiều qua, 26-10, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân (người đã trực tiếp dự và trao giải tại buổi lễ nói trên) cho biết, ngay sau khi báo chí nêu lên vấn đề này, Bộ KH-CN đã yêu cầu Văn phòng đại diện của bộ ở TPHCM báo cáo cụ thể. Tuy nhiên, không như một số báo gọi là “giải thưởng”, chính xác đây chỉ là “giấy chứng nhận”.

Theo đó, Vedan chỉ được chứng nhận là sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009 cho 3 sản phẩm: bột ngọt Vedan, Vedan hạt nêm thịt heo và tinh bột biến đổi. Giấy chứng nhận này là của NATUSI trao tặng, chứ không phải của Bộ KH-CN.

Thứ trưởng Nguyễn Quân cũng cho rằng, sản phẩm của Vedan không có tội. Quy trình, công nghệ sản xuất gây ô nhiễm chứ người ăn sản phẩm ấy thì không sao. Nếu sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế thì sao không chứng nhận được (!?).

Đóng tiền là có giải thưởng?

Dư luận đặt câu hỏi: Có nghịch lý không khi hoạt động Vedan là nguyên nhân gây ô nhiễm nặng nề, chưa khắc phục xong hậu quả ô nhiễm sông ở Đồng Nai thì lại được công nhận vì sức khỏe cộng đồng? Theo Thứ trưởng Nguyễn Quân, tiêu chí đánh giá về sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng được dành cho những sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, không có chất gây nguy hiểm cho người tiêu dùng. Việc chứng nhận có sự tư vấn, đánh giá của phía Bộ Y tế; và 3 sản phẩm của Vedan thuộc vào nhóm này.

“Đây không phải là chứng nhận cho doanh nghiệp mà là cho sản phẩm cụ thể. Nếu một công ty nào đó giám đốc tham nhũng chẳng hạn, mà công ty làm ra sản phẩm mà xã hội chấp nhận thì mình cũng phải công nhận” – Thứ trưởng Nguyễn Quân nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quân, trên thực tế, Vedan sử dụng công nghệ gây ô nhiễm môi trường nhưng sản phẩm bột ngọt vẫn đạt tiêu chuẩn. Như thuốc lá nói gây ung thư phổi nhưng các nhà máy sản xuất thuốc lá vẫn không bị đóng cửa. Các công ty sai đến đâu thì sẽ xử lý đến đó. Không thể lấy công để bù tội, song cũng không vì tội ấy mà phủ nhận đóng góp của doanh nghiệp.

Được biết, trong quá trình thực hiện, Ban tổ chức chương trình này có kêu gọi các doanh nghiệp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra. Vedan đã đăng ký ủng hộ đồng bào 100 triệu đồng nên đã trao cho Ban tổ chức tại buổi lễ. Sau đó Ban tổ chức đã có chuyến công tác miền Trung để trao cho đồng bào vùng bị thiệt hại.

Trong số 500 triệu đồng quyên góp từ buổi lễ, Vedan là doanh nghiệp ủng hộ nhiều nhất, các doanh nghiệp khác chỉ ủng hộ 20-30 triệu đồng, thậm chí một số doanh nghiệp chỉ ủng hộ 1-2 triệu đồng...

“Tôi tin rằng không phải Ban tổ chức nào cũng chấp nhận chuyện cứ đóng tiền vào là đoạt giải. Doanh nghiệp cần phải đảm bảo theo đúng những tiêu chí của giải thì mới được. Vedan rất muốn đóng tiền để đoạt giải nhưng Ban tổ chức đã từ chối. Còn việc ủng hộ đồng bào lũ lụt thì mình phải nhận vì đấy là thiện chí, tấm lòng của người ta với đồng bào...” – Thứ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.

Được biết, trong hôm nay, cơ quan đại diện của Bộ KH-CN ở TPHCM sẽ có báo cáo chính thức với lãnh đạo Bộ KH-CN về vụ việc này.

Trần Lưu

  • Thông tin liên quan:

- Củng cố chứng cứ để yêu cầu Vedan bồi thường hơn 569 tỷ đồng

- Công ty Vedan không chấp nhận bồi thường 569 tỷ đồng thiệt hại cho nông dân

- Hội Nông dân TPHCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu Vedan bồi thường hơn 569 tỷ đồng

- Thiệt hại do Vedan gây ra lên đến 567 tỷ đồng

Tin cùng chuyên mục