Vì sao Trung Quốc “giải cứu” châu Âu?

Trung Quốc, nhà đầu tư lớn vào các thị trường mới nổi, đang mong muốn trở thành “cứu tinh” của một châu Âu  nợ nần chồng chất. Ngày 23-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du tuyên bố: Bắc Kinh sẵn sàng giúp đỡ các nước trong khu vực đồng EUR vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính, thành công trong việc phục hồi kinh tế.

Bà Khương Du cũng khẳng định trong tương lai, châu Âu sẽ là một trong những thị trường chính mà Trung Quốc sẽ đầu tư dự trữ ngoại tệ của mình.

Trong cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu, Trung Quốc đã nổi lên như một đối tác chủ chốt nhờ khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ lên tới 2.640 tỷ USD.

Hồi tháng 10 năm nay, Trung Quốc đã hứa giúp đỡ Hy Lạp qua việc mua trái phiếu chính phủ nước này trong bối cảnh Athens gần như mất khả năng trả nợ. Tháng trước, trong chuyến công du Lisbon, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng đề cập đến việc giúp Bồ Đào Nha đối phó với khủng hoảng.

Ngày 21-12 vừa qua, báo chí Bồ Đào Nha loan tin Trung Quốc sẵn sàng mua tới 6,5 tỷ USD công trái của nước này. Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2011, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Bỉ và Ý có thể sẽ gặp khó khăn tài chính và cần đến sự giúp đỡ. Khi đó, chắc chắn Trung Quốc sẽ không bỏ qua cơ hội cứu giúp các nước này.

Theo các nhà phân tích tình hình thế giới, Trung Quốc đã tính toán kỹ lưỡng những mối lợi về kinh tế, chính trị, uy tín, khi đầu tư mua trái phiếu chính phủ của các nước châu Âu.

Trước hết, đó là việc Trung Quốc muốn đa dạng hóa đầu tư tài chính, giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD. Kết cấu các loại ngoại tệ dự trữ của Trung Quốc có tính chất phân tán rủi ro, chủ yếu gồm một số loại ngoại tệ mạnh như USD, EUR, yên Nhật. Để thực hiện nguyên tắc an toàn trong quản lý ngoại hối dự trữ, Trung Quốc đã đa dạng hóa các loại ngoại tệ dự trữ để giảm bớt rủi ro. Ngoài trái phiếu chính phủ châu Âu, Trung Quốc cũng đẩy mạnh mua rất nhiều trái phiếu chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thứ hai, Bắc Kinh rất cần một khu vực đồng EUR vững mạnh về kinh tế. Từ lâu, châu Âu luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh giúp đỡ châu Âu về tài chính không nằm ngoài mục đích để người tiêu dùng châu Âu có thể tiếp tục mua sản phẩm của Trung Quốc. Đây chính là mô hình quan hệ kinh tế thương mại Mỹ - Trung trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, theo Giáo sư kinh tế Patrick Chovanec của Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), trong vai trò nước hỗ trợ tài chính cho châu Âu, Trung Quốc sẽ có lợi về mặt chính trị và ngoại giao. Châu Âu và Trung Quốc hiện vẫn tồn tại những mâu thuẫn.

Trung Quốc lâu nay vẫn kêu gọi châu Âu gỡ bỏ lệnh cấm vận buôn bán vũ khí và thừa nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Với việc giúp đỡ châu Âu giải quyết nợ nần, Bắc Kinh kỳ vọng những bất đồng trên sẽ sớm được giải quyết. Bên cạnh đó, các nước châu Âu cũng không thể tiếp tục gây sức ép, ít nhất là không ở mức độ mạnh mẽ như trước, đối với Trung Quốc trong vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ.

Có thể nói, việc Trung Quốc mua trái phiếu chính phủ của các nước châu Âu là một cách để Trung Quốc tạo cơ sở cho vị thế cường quốc, bảo đảm an toàn cho việc xuất khẩu đồng thời tiếp tục theo đuổi các chính sách về chính trị và ngoại giao của Bắc Kinh. 

ĐỖ VĂN

Tin cùng chuyên mục