Trước thông tin Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2016 chỉ còn 6,2%, Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Nguyễn Chí Hải, Trưởng Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) xung quanh vấn đề này và giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa nền kinh tế phát triển bền vững.
Nợ xấu: cần xử lý rốt ráo!
PGS-TS Nguyễn Chí Hải
Thưa tiến sĩ, với nhận định của WB không mấy khả quan về kinh tế Việt Nam trong năm nay, theo ông, tình hình có đáng lo ngại?
PGS-TS NGUYỄN CHÍ HẢI: Chỉ số tăng trưởng của Việt Nam trong quý 1 chỉ đạt 5,46%, thấp hơn mức 6,12% cùng kỳ năm ngoái đã cho thấy dấu hiệu tăng trưởng chậm. Đồng thời, Việt Nam đang gặp phải những khó khăn do thiên tai, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông nghiệp nên tăng trưởng năm 2016 có thể thấp hơn mức 6,68% của năm 2015. Tuy nhiên, không nên có cái nhìn quá bi quan, bởi chúng ta còn có những điểm sáng như thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng, xuất khẩu tăng trưởng khá ổn định, ngành xây dựng khởi sắc (tăng gần 10% trong quý 1/2016), lượng đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) mới tiếp tục tăng (quý 1/2016, tăng 24,8% về số lượng và tăng 67% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước).
Do vậy, theo tôi, mục tiêu số một của kinh tế Việt Nam 2016 vẫn là kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở tái cấu trúc nền kinh tế. Có nghĩa là mục tiêu tăng trưởng phải phục tùng yêu cầu phát triển bền vững.
Trong ngắn hạn, những khó khăn đang vấp phải của nền kinh tế vẫn là nợ công gia tăng, nợ xấu ngân hàng vẫn còn là nguy cơ tiềm ẩn, bội chi ngân sách gia tăng, năng lực cạnh tranh của DN còn thấp, biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống… Trong dài hạn, khó khăn lớn nhất vẫn là mô hình tăng trưởng, cấu trúc nền kinh tế, năng suất lao động xã hội ở mức thấp và nguy cơ tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực. Phần lớn những khó khăn này là sự tiếp nối và có nguyên nhân sâu xa từ nhiều năm trước. Do vậy những nỗ lực cải cách của Chính phủ từ các năm trước, nay cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả.
Tập trung cải cách nền kinh tế, hỗ trợ DN “nội”
- Hoạt động xuất khẩu góp phần quan trọng trong tăng trưởng, tuy nhiên, theo thống kê thì kim ngạch xuất khẩu có sự đóng góp lớn của khối DN FDI, trong khi muốn phát triển bền vững phải dựa vào nội lực (DN trong nước), liệu điều đó có ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước không, thưa tiến sĩ?
Trong hoạt động xuất khẩu, khu vực FDI vẫn đóng vai trò chủ lực. Theo tôi, nên nhìn nhận vấn đề này theo chiều hướng tích cực, thể hiện ưu thế của các DN FDI về khả năng vốn, kỹ thuật, năng lực cạnh tranh, nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Phải thừa nhận, các DN trong nước hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần có sự gắn kết giữa các DN FDI và DN trong nước, đồng thời cần sự hỗ trợ cho DN trong nước từng bước vươn lên nhằm đảm đương vai trò động lực trong hoạt động xuất nhập khẩu.
- Theo tiến sĩ, giải pháp nào hỗ trợ DN trong nước tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế?
Để DN Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường, trước hết từng DN phải nâng cao năng lực quản trị. Trong nền kinh tế cạnh tranh thì khả năng quản trị, nắm bắt thị trường quốc tế, có chiến lược và phương án kinh doanh phù hợp, sẽ là nhân tố quyết định cho sự thành bại của DN. Trong sản xuất kinh doanh, yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh đó chính là năng suất lao động, giá thành sản xuất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm. DN Việt Nam muốn nâng cao năng lực cạnh tranh phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản này.
Tuy nhiên, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam trên thị trường quốc tế không thể tách rời vai trò thông tin, hỗ trợ của Chính phủ. Trên thực tế, nhiều DN đang phải tự “bơi” để tìm kiếm thị trường, tìm kiếm thông tin, tìm kiếm nguồn vốn, mà thiếu sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng tại địa phương. Do vậy phải coi việc hỗ trợ DN là một trong những chức năng chủ yếu của các cơ quan nhà nước.
- Như vậy, để phát triển nền kinh tế Việt Nam bền vững, Việt Nam cần có những giải pháp gì, thưa tiến sĩ?
Tư vấn cho đại diện doanh nghiệp nước ngoài tại Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM. Ảnh:THÀNH TRÍ
Theo tôi, cần một số giải pháp sau: Thứ nhất, tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhằm phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Cụ thể, trong nhiệm kỳ mới, Chính phủ cần có quan điểm và tuyên ngôn cụ thể về định hướng, quan điểm điều hành vĩ mô đối với nền kinh tế và đảm bảo tính ổn định, liên tục của các quy định.
Thứ hai, cần tiếp tục và triệt để cải cách khu vực DN nhà nước và hệ thống ngân hàng. Theo chúng tôi, đã đến lúc cần chuyển giao toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường cho khu vực tư nhân, đồng thời các hoạt động dịch vụ công ích cũng cần có sự tham gia ngày càng tích cực của khu vực tư nhân.
Thứ ba, cần siết chặt kỷ luật chi tiêu ngân sách. Năm 2016 phải là năm khởi động cho việc tái cấu trúc chi ngân sách nhà nước, theo hướng gia tăng chi cho đầu tư phát triển và giảm chi tiêu thường xuyên cho bộ máy, sự nghiệp. Điểm mấu chốt để giảm chi tiêu này là đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính, giảm bớt biên chế, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính, công quyền. Mô hình cải cách, sắp xếp bộ máy của tỉnh Quảng Ninh, theo chúng tôi, là mô hình cần nghiên cứu, học tập và áp dụng phù hợp cho các địa phương khác.
Thứ tư, nông nghiệp hiện đang gặp thiên tai, Nhà nước cần có những hỗ trợ kịp thời cho người dân và DN. Đồng thời, tăng đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn; tái cấu trúc sản phẩm cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường đầu ra, thích ứng với biến đổi khí hậu, đầu tư khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất, mới chính là các giải pháp có tính quyết định cho sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam.
Thứ năm, về chính sách tiền tệ, cần tiếp tục góp phần ổn định giá trị đồng tiền, duy trì lạm phát vừa phải, kích thích xuất khẩu và tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho các DN.
Thứ sáu, giải pháp quan trọng và có tính đột phá, vẫn là những cải cách về thể chế kinh tế theo hướng chuyển mô hình Nhà nước điều hành nền kinh tế sang mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển. Thể chế phù hợp, môi trường thuận lợi, lành mạnh, thông tin kịp thời chính xác, phân bổ nguồn lực hiệu quả… chính là các điều kiện cần thiết để các DN và người dân tham gia tích cực và hiệu quả vào các hoạt động trong nền kinh tế.
Xin cảm ơn tiến sĩ!
HÀN NI (thực hiện)
______________________________
PGS-TS Lê Vũ Nam, chuyên gia tài chính - ngân hàng:
Tình hình xấu, tác động lên tăng trưởng kinh tế
Về khách quan, tình hình kinh tế thế giới khó khăn, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi sự ảnh hưởng do xu hướng suy thoái chung. Giá dầu giảm sâu trong thời gian dài ảnh hưởng lớn đến GDP của Việt Nam và đến nay vẫn chưa thấy dấu hiệu phục hồi. Trong nước, hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu lúa gạo. Những tác động đó thể hiện rõ khi tăng trưởng bị chững lại trong quý 1 vừa qua.
Nhiều người thắc mắc vì sao trong thời điểm Việt Nam hội nhập TPP và cộng đồng kinh tế ASEAN mạnh mẽ mà tăng trưởng vẫn chậm? Thật ra việc hội nhập ban đầu như một luồng gió mới, tạo hứng khởi nhất định cho thị trường, tuy nhiên, những dự báo lạc quan phải cần có độ ngấm. Theo tôi, dự báo tăng trưởng Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong một vài năm nữa nếu giải quyết những khó khăn về nội tại. Cụ thể, phải xử lý triệt để nợ xấu ngân hàng, đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các tổng công ty nhà nước, song song đó, phải xây dựng cơ chế khuyến khích, thúc đẩy DN tư nhân phát triển, tạo ra nhiều thương hiệu “nội”. Ngoài ra, phải giảm nợ công, hiện chúng ta phải dành ngân sách để trả nợ là quá nhiều. Chính phủ cần có chiến lược tổng thể cắt giảm bộ máy hành chính và việc giảm chi thường xuyên cũng góp phần cân bằng ngân sách. Tuy nhiên, điều kiện cơ bản cho tăng trưởng kinh tế vẫn là tập trung tận dụng cơ hội từ tự do hóa thương mại, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí bôi trơn cho DN.
Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trong Khu công nghiệp:
Doanh nghiệp trong nước đang bị thôn tính
Trong quý 1, các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao phát triển đạt chỉ tiêu kế hoạch khá nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. DN vẫn nhận nhiều đơn đặt hàng lớn, nhưng lợi nhuận lại thấp hơn, nguyên nhân do cạnh tranh gay gắt hơn trước. Khi Việt Nam mở cửa hội nhập, các DN nước ngoài đang dần thao túng hệ thống phân phối, bán lẻ trên thị trường Việt Nam. Một khi thị trường phân phối bán lẻ do nước ngoài áp đảo, thì nắm phân phối có nghĩa là nắm tiêu dùng. Nắm tiêu dùng là quyết định sản xuất, vì hoạt động sản xuất là sản xuất theo yêu cầu tiêu dùng.
Thử nhìn lại, trong năm 2015, Thái Lan đã tổ chức 5 lần hội chợ tại TPHCM để quảng bá sản phẩm. Trong lúc thị trường bị thao túng thì sản xuất không bị ảnh hưởng chậm lại được. DN trong nước không bán được hàng thì không thể đẩy mạnh sản xuất. Đó là lý do năm 2015 mọi chỉ tiêu của thành phố đều đạt nhưng chỉ có xuất khẩu là không đạt, đó là chưa kể hoạt động xuất khẩu được là nhờ xuất khẩu của khối FDI chứ xuất khẩu nội địa giảm đến 30%. Chúng tôi dự báo, năm nay, hoạt động xuất khẩu DN nội địa cũng giảm sút chứ không tăng (chỉ xuất khẩu ở nhóm FDI và công nghệ cao thì tăng), tình hình vẫn rất khó khăn.
Nguyên nhân là do năm 2014, 2015, Chính phủ, các bộ ngành đưa ra quá nhiều văn bản dưới luật với nhiều ràng buộc; chưa bao giờ cải cách hành chính bị “lùi” như thế, không tạo hành lang thông thoáng cho DN phát triển. Chính sự cải cách chậm đã kiềm chế sự phát triển, không đem lại hưng phấn cho người sản xuất, làm gì cũng “chung chi”. Cần phải kiểm tra chặt các văn bản dưới luật, đừng để tạo ra kẽ hở, cản trở sự phát triển của nền kinh tế.