Vì sự sống đáng quý

“Tụi em mất nhiều thời gian, công sức, nhưng có sao đâu. Cứ giúp người bị nạn trên đường qua được nguy kịch là mừng. Rồi có nhiều tai nạn thương tâm, mình tìm giúp được người nhà, không để nạn nhân bơ vơ ngoài đường sá đêm khuya…”, dưới ánh đèn vàng vọt nơi góc đường Phạm Văn Đồng - Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức, TPHCM), là Nguyễn Hoàng Kim Ngân và những người bạn.
Thành viên Đội Cứu nạn giao thông tình nguyện - Emergency 911 trong một ngày làm việc
Thành viên Đội Cứu nạn giao thông tình nguyện - Emergency 911 trong một ngày làm việc

Xuyên đêm cứu người

Gần 23 giờ, đang ngồi ở chốt trực, thì điện thoại Nguyễn Hoàng Kim Ngân (29 tuổi, Đội trưởng Đội Cứu nạn giao thông tình nguyện - Emergency 911), reo lên. “Có ca!”. Cả nhóm lên xe khi nghe Kim Ngân báo thông tin địa chỉ tai nạn. “Cả nhóm khẩn trương đi cái ào vậy đó. Người nào không biết tưởng tụi em đi giựt đồ luôn chớ”, Nguyễn Phương Chiến (26 tuổi, nhân viên bảo vệ Thẩm mỹ viện Kasa, thành viên đội) kể lại.

Hài hước kể vậy thôi, chứ ra hiện trường, các bạn trẻ rất nghiêm túc, tập trung thực hiện sơ cứu ban đầu cho nạn nhân trong khi chờ xe cấp cứu đến; rồi phối hợp công an phường để thực hiện các quy trình tại hiện trường. “Mạng người tính bằng giây, bằng phút cho nên phải sơ cứu kịp thời, đúng cách. Với những ca gãy tay gãy chân là nam, nếu không quá nặng, chúng em đưa đi xe máy được, còn nữ sẽ ưu tiên đi xe cấp cứu”, Kim Ngân nói.

Phương Chiến cho biết, có đêm đội đi cứu nạn tới 4-5 ca. “Trong đêm đó, thương tâm nhất là vụ tai nạn ở đường Đào Trinh Nhất (phường Linh Tây, TP Thủ Đức) có một bạn trẻ sinh năm 2000 nhậu xỉn đâm thẳng vào đuôi xe container không qua khỏi. Em và chị Kim Ngân giữa khuya tức tốc chạy đi báo người nhà. Khi đến nơi, mẹ bạn ấy (gần 60 tuổi) mở cửa khiến tụi em ngưng vài phút không biết phải nói sao. Một người mẹ đang đợi con về mà nếu phải hay tin con mình đã mất thì quá đau lòng. Lúc đó, có anh, chú bạn ấy ra cổng, tụi em mới dám nói riêng, dẫn họ ra hiện trường”, Phương Chiến kể.

Bạn Lâm Hoàng Khánh Duy (bảo vệ tại Giga Mall, thành viên đội 911) kể, có đêm 2 giờ sáng đang ngủ thì thấy Kim Ngân gọi, biết chắc có ca. Duy bật dậy chạy ra cầu Bình Triệu hỗ trợ nạn nhân lên xe cấp cứu về bệnh viện an toàn rồi mới về. Có lần, một vụ tai nạn ở đường 25 (phường Hiệp Bình Chánh), nạn nhân nguy kịch, đội phải hỗ trợ tới 5 giờ sáng. Xong ca đó, Duy và các bạn trong đội về là đi làm luôn. “Em trực bảo vệ theo ca, có ngày làm sáng có ngày làm chiều. Cứ hết ca, về nhà ăn uống, rảnh thì chạy ra chốt trực, đi tuần cùng đội xem trên đường có ai bị gì không. Cứ đi theo các trục đường chính như xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, quốc lộ 13…”, Duy cho biết.

Giúp người là giúp mình

Suốt 5 năm qua, các thành viên gồm các bạn trẻ là công nhân, sinh viên, nhân viên văn phòng, bảo vệ... đã tập hợp thành một đội cứu nạn giao thông trên các tuyến đường thuộc TP Thủ Đức và lân cận. Kim Ngân làm nghề tự do ban ngày, còn ban đêm ra các chốt trực, điều hành việc hỗ trợ. Đội trực chốt thứ ba, thứ năm, thứ bảy, chủ nhật, còn lại là trực đường dây nóng. Hiện tại nhóm có 8 thành viên, ngoài Kim Ngân còn có Hải Dương (20 tuổi); Thanh Thảo, Khánh Duy (21 tuổi); Huyền Trang (22 tuổi); Phương Chiến (26 tuổi); Hữu Tài (27 tuổi); Quang Dũng (32 tuổi). Sự kết nối của họ đến từ 3 chữ “vì bà con”.

“Nhiều người thắc mắc, tụi em làm tình nguyện vậy rồi chi phí đâu duy trì? Thiệt sự, xăng xe, nước nôi, bông băng y tế sơ cứu bước đầu cho người gặp nạn là các bạn trong nhóm tự chi trả. Tụi em có nhận cảm ơn, nhưng nhận rất có chọn lọc và luôn công khai. Số tiền có nhiêu đâu, đủ để mua bông băng sơ cứu cho nạn nhân thôi”, Ngân cho hay. Còn Khánh Duy nói: “Nhiều người nói tụi em rảnh lắm mới đi làm mấy chuyện này. Đơn giản tụi em muốn hỗ trợ cho bà con, ít nhất là người dân địa phương mình, tránh những trường hợp tai nạn thương tâm xảy ra. Nếu như có trường hợp nguy kịch, cấp cứu tới không kịp, người dân đi qua không ai dám giúp, không biết cách giúp thì làm sao… Mình hỗ trợ kịp, nhiều khi chỉ giúp cầm máu thôi đã là giúp người ta có cơ hội sống rồi”.

Vài lần nghe có người nói: “Lưu số tụi này chi? Xui lắm!”, các bạn trong đội không buồn. Phương Chiến chia sẻ: “Trước đây, thấy tai nạn chỉ dám đứng xa coi người bị té có sao không, nhưng đi với đội nhiều, chứng kiến mạng sống của con người tính theo phút, theo giây mới thương, bớt sống vô cảm. Giờ còn khỏe giúp được ai thì giúp. Được cảm ơn hay không mình cũng làm, hổng sao. Chỉ mong giúp người bị nạn xa cửa tử ra, hoặc có thể kéo họ từ cửa tử trở về. Cảm giác khi ngồi trên xe cấp cứu giữ nạn nhân không cho họ giãy giụa vì đau đớn, máu me chảy đầy, mới thấy mạng sống quý đến cỡ nào”.

“Ngày đó, nhận tin chị hai em mất vì tai nạn giao thông, má em chết đứng. Em không muốn người nào phải rơi vào tình cảnh như má em. Thu nhập em làm tự do, chỉ có 7 triệu đồng/tháng thôi, nhưng em vẫn làm việc này vào buổi tối, ai tin tưởng gọi điện cần nhờ giúp, là tụi em đến liền”, Kim Ngân nói.

Theo Kim Ngân, từ đầu tháng 3 tới giờ, đội nhận hỗ trợ hơn 10 ca tai nạn giao thông và các ca hỗ trợ dân sự khác… Riêng trong ngày 6-3 mới đây, đội hỗ trợ cứu nạn 7 ca nhảy cầu, trong đó có 3 ca khuyên, cản kịp thời.

Tin cùng chuyên mục