Vì tình yêu con chữ ở vùng sâu

Ươm mầm trí tuệ
Vì tình yêu con chữ ở vùng sâu

Là những người con của buôn làng, sau khi được đào tạo, họ trở về bám bản, cùng góp công sức, trí tuệ của mình để vun đắp ước mơ con chữ cho con trẻ vùng sâu.

Ươm mầm trí tuệ

Sinh ra và lớn lên tại xã vùng sâu Bảo Thuận (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), sau khi tốt nghiệp sơ cấp sư phạm mẫu giáo, 1986 cô Ka Hiền quyết định trở về gieo chữ cho trẻ em ở chính buôn làng mình. Lúc ấy, bà con nơi đây còn nghèo lắm, cha mẹ chỉ lo cái ăn, cái mặc của các em chứ không mấy người quan tâm việc học. Ka Hiền phải tới từng nhà vận động phụ huynh cho con em được đến lớp. Không chỉ vậy, mỗi sáng, cô còn đến từng gia đình để đón học sinh, buổi trưa lại đưa các em qua lối mòn về nhà, công việc cứ thế kéo dài nhiều năm liền. Những năm 1990, trường gặp khó khăn khi hợp tác xã của xã giải thể, khu nhà vốn được mượn để làm lớp học mầm non cũng không còn, cô Ka Hiền ngược xuôi tìm địa điểm mới để dạy học. “Tôi mượn được nhà cũ của người quen, mấy bộ bàn ghế ọp ẹp, vật dụng phục vụ dạy học thiếu thốn càng khiến lớp học xác xơ hơn. Nhưng quan trọng nhất là việc học của các em không bị đứt đoạn, đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp dạy học của tôi”, cô Ka Hiền tâm sự.

Cô Rơ Ông K’Thủy trong giờ dạy học theo chương trình mới

Dạy học ở vùng có hơn 95% cư dân là người dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng với lợi thế là người bản địa, thấu hiểu được phong tục tập quán của bà con, Ka Hiền đã khéo léo áp dụng phương pháp dạy học phù hợp với đặc thù địa phương. Trường không có kinh phí mua đồ chơi, cô lại tận dụng những thứ có sẵn như quả bầu khô, quả thông, ngọn cỏ... làm thành đồ dùng trực quan cho các em học. Không những vậy, cô còn nghiên cứu, đề xuất với nhà trường giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi vùng đồng bào DTTS, đó là kết hợp tiếng bản địa với tiếng Việt, dần dần sẽ sử dụng tiếng Việt trong tất cả các hoạt động học tập và vui chơi. Về sau, giải pháp này đã được triển khai rộng khắp tại các trường vùng đồng bào DTTS trong tỉnh Lâm Đồng.

Với những lỗ lực không mệt mỏi trong sự nghiệp trồng người, cô Ka Hiền đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, năm 2014, cô giáo Ka Hiền vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. Đây là trường hợp giáo viên người DTTS đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng nhận danh hiệu này. Khi được hỏi động lực nào giúp cô tâm huyết với nghề suốt gần 30 năm, cô giáo Ka Hiền tươi cười: “Được dạy chữ cho con em mình, thấy sự thay đổi nhận thức của bà con trong việc học và được góp phần nhỏ trong sự nghiệp giáo dục ngay trên quê hương mình, chỉ nghĩ đến vậy là tôi hạnh phúc lắm rồi”.

Hiến đất xây trường

Với cô Rơ Ông K’Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Păng Tiêng (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) với 22 năm cắm bản; ngoài làm tốt công tác chuyên môn, cô còn hiến đất của gia đình để xây trường học.
Năm 1995, dãy nhà dành cho học sinh mầm non và tiểu học ở thôn Păng Tiêng được bà con trong thôn chung tay, góp sức dựng lên. “Khi đó gọi là điểm trường nhưng 4 phòng học được dựng ở khu vực trũng của thôn rất đơn sơ. Trải qua nhiều năm, những tấm vách làm bằng lồ ô, lấy bùn trộn với rơm trát lên để tránh những cơn gió lạnh lùa vào, mái tôn lợp tạm bợ; mỗi khi mưa, nước từ ngoài tràn vào khiến cả giáo viên và học sinh phải lội bì bõm học trong nước”, cô Bùi Thị Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Păng Tiêng, nhớ lại.

Năm 2006, điểm trường Păng Tiêng nằm trong diện giải tỏa, di dời. Cô K’Thủy về bàn với gia đình hiến toàn bộ quả đồi hơn 3.000m2 (một nửa diện tích đất của gia đình khi đó, đang trồng cà phê và hồng cho năng suất cao) để xây trường mới. Việc làm của cô khiến mọi người nể phục bởi hoàn cảnh gia đình cô cũng chưa phải khá giả. “Khi ngỏ ý muốn dành trọn quả đồi của gia đình để xây trường học, chồng và các con tôi đều hết sức ủng hộ, bởi đây là việc làm vì cộng đồng, con cháu trong làng sẽ không phải đi học xa”, cô K’Thủy tâm sự. Nhờ sự đóng góp của gia đình cô K’Thủy, hiện nay, ngôi trường mầm non và tiểu học Păng Tiêng được xây kiên cố, với đầy đủ công trình phụ phục vụ nhu cầu học tập của con em trong thôn.

Cô Rơ Ông K’Thủy tâm sự, muốn làm được nhiều hơn nữa để giúp đường đến trường của các em vùng sâu ngắn bớt lại, bởi đơn giản cô nghĩ vì mình là người làm trong nghề, thấu hiểu được sự thiếu thốn về cơ sở vật chất sẽ ảnh hưởng không tốt tới việc dạy và học. Con em mình được học hành ở nơi cao ráo hơn, không phải lo tránh nước mỗi khi trời mưa là bản thân thấy ấm lòng rồi.

ĐOÀN KIÊN

Tin cùng chuyên mục