Vì tôi là phụ nữ

Họ là những phụ nữ dám nghĩ dám làm. Ngoài siêng năng học hỏi, họ cũng không nề hà gian khó hay thiệt thòi cho bản thân. Với họ, làm được điều gì có ích cho chị em phụ nữ, cho tập thể, cho xã hội thì bản thân cũng có được niềm vui và hạnh phúc. Họ là hai người phụ nữ tên Hoa.
Vì tôi là phụ nữ

Họ là những phụ nữ dám nghĩ dám làm. Ngoài siêng năng học hỏi, họ cũng không nề hà gian khó hay thiệt thòi cho bản thân. Với họ, làm được điều gì có ích cho chị em phụ nữ, cho tập thể, cho xã hội thì bản thân cũng có được niềm vui và hạnh phúc. Họ là hai người phụ nữ tên Hoa.

30 năm làm việc vì đam mê

Chúng tôi gặp chị Ngô Thị Hoa (công nhân tổ máy, Công ty cổ phần In số 7, Khu công nghiệp Tân Tạo, TPHCM) khi đôi bàn tay chị dính đầy dầu máy. Chị cười hiền lành nói: “Máy gặp sự cố, nhỏ thôi, tôi thấy mình sửa được nên làm luôn. Ca tối mà kêu réo anh em hoài cũng tội”. Gần 30 năm gắn với chiếc máy in, chị đã quen thuộc và hiểu “tính nết” của chiếc máy này. Một chiếc máy to đùng và nhiều chi tiết, bộ phận như thế nhưng chị Hoa vẫn có thể sửa chữa 70% lỗi. Tưởng chị được đào tạo bài bản, nhưng không phải thế, 30 năm trước khi bước chân vào Công ty In số 7, chị Hoa chỉ mới học hết lớp 10 và chưa từng chạm tay đến máy móc. “Vào công ty, nhìn thấy những chiếc máy in, tôi đâm thích và thiết tha xin được học việc ở tổ máy. Đầu tiên, các anh nhìn tôi ái ngại, chắc họ nghĩ mình con gái không làm được gì, nhưng với quyết tâm, tôi học tập nghiêm túc. Thấy ai sửa máy thì tôi tới nhìn, rồi tìm tòi học hỏi thêm. Nghề dạy nghề và tôi gắn bó cho đến nay”, chị Hoa kể. Nhờ nhanh nhạy nên chỉ một năm sau, chị được giao đứng máy chính. Công việc của một công nhân đứng máy in rất nặng nhọc: nào là bê giấy, vỗ giấy, lên giấy, lên kẽm, lên mực, lau cao su… với nam còn thấy cực, nên ai cũng nghĩ phụ nữ không làm nổi, vậy mà chị Hoa đã gắn bó với công việc này cho đến nay. Có thể nói, chị Hoa là nữ công nhân duy nhất còn lại làm công việc đứng máy in tại TPHCM. Chị bảo, mình là nữ nên có lợi thế tỉ mỉ hơn trong công tác canh chỉnh bài, nhờ đó sản phẩm ít bị lỗi hơn nam.

Càng làm chị Hoa càng yêu thích công việc, nhiều lần ban giám đốc có ý định chuyển chị đến làm ở một vị trí nhẹ nhàng phù hợp với nữ hơn nhưng chị từ chối với lý do đã quen việc. “Bàn tay lấm lem dầu nhớt có hề gì, xuống ca tôi rửa là sạch ngay. Vì phụ nữ cứ e ngại mình không làm được việc này, việc kia nên đàn ông họ mới có được vị trí cao hơn phụ nữ. Cứ mạnh dạn thử sức nếu mình thấy đam mê và công việc ấy mang lại niềm vui cho mình”, chị Hoa chia sẻ. Chị cũng tâm sự rằng, chị chọn công việc này vì muốn khẳng định phụ nữ vẫn có thể làm việc bình đẳng như nam giới. Ngoài ra, để cân bằng cuộc sống, chị còn tham gia các chuyến từ thiện để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Và chị xem đó là niềm vui sống.

Chị Ngô Thị Hoa gắn bó với chiếc máy in gần 30 năm chỉ vì đam mê

Phụ nữ hỗ trợ phụ nữ

Ai đã từng một lần gặp bà Lê Thị Thanh Hoa (chủ nhà trọ tại phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TPHCM) sẽ đem lòng yêu mến. Bà là người đã hết lòng giúp đỡ công nhân chỉ vì đó là niềm vui, là hạnh phúc của bà. Bà Thanh Hoa từng tâm sự: “Thấy công nhân vui, no đủ là lòng tôi ấm áp chi lạ”.

Nhà sát vách các phòng trọ nên khi thấy công nhân nào bệnh là bà lại tất bật chạy qua xem, thăm hỏi, thuốc men. Nhiều lần bà còn túc trực trong bệnh viện lo cho nữ công nhân đi sanh như một người mẹ. Hay nghe bên phòng trọ có vợ chồng to tiếng, bà cũng vội chạy qua khuyên răn. Đâu chỉ thế, công nhân ở đây còn được bà Thanh Hoa lo đăng ký hộ khẩu diện KT3 để con cái có điều kiện học hành chính quy. Ai cần tiền mua xe hay cần tiền gấp gửi về quê cho cha mẹ, bà cũng sẵn lòng cho mượn. Ai gặp khó khăn, bị tai nạn thì bà liền giảm tiền thuê phòng… Với suy nghĩ xem công nhân như con cháu trong nhà nên bà Thanh Hoa luôn quan tâm, lo lắng. Nhiều năm liền bà không tăng giá thuê phòng. Thấy các nữ công nhân vất vả hơn nam, bà cũng có phần ưu ái hơn như phụ đưa đón con họ đến trường hay chở giúp đi khám bệnh để họ an tâm tăng ca. Bà còn tìm công việc bán thời gian để chị em làm thêm trong mùa thấp điểm; lập quỹ tiết kiệm để phụ nữ khu trọ dành dụm tiền dùng khi gặp khó khăn. Không chỉ vậy, cứ đến tết, bà sẵn sàng bỏ ra số tiền thuê nhà tháng cuối cùng để tổ chức tiệc tất niên, gói bánh chưng, bánh tét, làm kiệu, mua quà, lì xì cho công nhân. Vì lẽ đó mà hầu hết công nhân khi đến ở khu trọ của bà Thanh Hoa đều không muốn rời đi.

Tất cả những việc làm của bà Thanh Hoa đối với công nhân là vì bà nhớ khi mình còn là người học trò nghèo, xa quê cũng đã từng nhận được sự cưu mang, giúp đỡ như thế. “Tôi có làm được gì nhiều đâu, chỉ là trong khả năng mình giúp được gì cho công nhân, cho xã hội thì làm”, bà Thanh Hoa nói với nụ cười hồn hậu.

HỒNG HẢI

Tin cùng chuyên mục