Trong suy nghĩ của lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, việc HLV Henrique Calisto đặt bút ký vào bản hợp đồng làm việc thêm 3 năm nữa là một thành công lớn. Dư luận, người hâm mộ cùng tất cả những ai quan tâm đến sự phát triển và một tương lai hưng thịnh của bóng đá Việt Nam cũng nghĩ như vậy. Chưa bao giờ, một ông thầy ngoại như Calisto lại được ưu ái đến thế, kể từ sau cái thời của HLV Karl Heinz Weigang 20 năm trước. Cả hai cùng được cho là “phù thủy” của bóng đá Việt Nam.
Mức lương cao nhất từ trước đến nay (22.000 USD/tháng) để giữ chân ông Calisto không phải là số tiền nhỏ, nhưng sau những gì ông đã làm cho bóng đá Việt Nam, kể cả ở cấp độ CLB lẫn ở các đội tuyển quốc gia, như thế là xứng đáng. Những điều kiện làm việc không thể tốt hơn không phải để tô vẽ cho bản hợp đồng đã ký giữa VFF và ông Calisto, mà để mở ra một chương mới cho tương lai của bóng đá Việt Nam. Bóng đá Việt Nam, VFF và nhiều người nữa cần HLV Calisto. Ngược lại, ông thầy người Bồ Đào Nha cũng cần Việt Nam, một môi trường làm việc đủ để giúp danh tiếng của ông thăng hoa hơn nữa. Đấy là thực tế.
Suy cho cùng, VFF cũng chỉ muốn hình ảnh của bóng đá nước nhà vươn cao hơn nữa và ông Calisto được cho là người thích hợp nhất trong chiến lược khuếch trương ấy ở thời điểm hiện tại. Có thể xem đây là mối quan hệ bền vững, mà theo cách nhìn nhận của cả người trong lẫn ngoài cuộc, nó góp phần không nhỏ để xóa đi cái tên gọi không tốt lành xưa nay “Việt Nam là cối xay HLV ngoại”.
Quá khứ đã chỉ ra rằng, chỉ trong vòng 20 năm qua, bóng đá tiếp nhận gần 20 HLV ngoại. Đấy là con số thống kê cho cả các đội tuyển quốc gia lẫn các CLB trong nước, khiến những ai quan tâm tới sự phát triển của bóng đá Việt Nam phải giật mình. Hầu hết, những ông thầy ngoại đến trong một thời gian nhất định rồi ra đi trong điều tiếng, trong sự phàn nàn của dư luận. Từ Tavares, Vital, đến Dido, Riedl… cũng đều tạo được những dấu ấn riêng, nhưng hoặc họ bất đồng quan điểm với VFF, hoặc tạo ra những scandal không tốt.
Bóng đá Việt Nam muốn nâng tầm thực sự và cái cách VFF luôn mời những HLV ngoại dẫn dắt các đội tuyển quốc gia cũng nằm trong khuôn khổ ấy. Chỉ có điều, rất ít người giúp được Việt Nam hiện thực hóa khát khao ấy. Những cuộc chia tay chóng vánh hay rắc rối tự nó đã đưa ra một sự đánh giá chính xác nhất.
Nhưng đến lần trở lại của HLV Calisto, có vẻ như tính thời vụ và cách làm “ăn xổi” không còn. Năm 2002, ông từng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam ở Tiger Cup, nhưng do bất đồng quan điểm với một số quan chức của VFF nên ông phải ra đi. Ở lần trở lại này, mọi chuyện rất rõ ràng: ông làm việc để nâng tầm bóng đá Việt Nam và không chịu bất kỳ sự chi phối nào khác. Ít nhất, ông Calisto đã thành công với danh hiệu vô địch AFF Cup 2008, tạo nên một tập thể U23 trẻ trung, giàu tính chiến đấu. Chính vì điều đó, VFF không ngần ngại nối dài thêm mối quan hệ với Calisto bằng bản hợp đồng mới tốn nhiều tâm sức thương thảo. Tất nhiên ở đây, VFF cũng nhìn ra vấn đề rằng, ông Calisto còn được dư luận và người hâm mộ trong nước sẵn sàng ủng hộ.
Khi đạt đến thành công, một HLV thường chọn cách ra đi để giữ danh tiếng. Ông Calisto thì khác. Những trăn trở và những điều cần làm cho bóng đá Việt Nam suốt 2 năm qua vẫn còn quá ít. Bóng đá Việt Nam có tiềm năng và có cơ hội để lớn mạnh hơn nữa, đấy là điều ông nhận ra và cảm thấy mình còn trách nhiệm phải trau chuốt cho điều đó. Ông thừa nhận áp lực trong 3 năm tới sẽ lớn hơn so với quá khứ (Việt Nam phải bảo vệ thành công danh hiệu vô địch Đông Nam Á, phải vượt qua vòng sơ loại của World Cup 2014…), nhưng như thế, với ông mới là cách sống của một HLV năng động, hết mình vì tương lai của một nền bóng đá.
Lê Quang