“Việc hẻm” ở quận Tân Bình

“Việc hẻm” ở quận Tân Bình

Không biết tự bao giờ mà cứ mỗi độ xuân về, “việc hẻm” đã trở thành việc không thể thiếu của nhiều khu dân cư mới khắp quận Tân Bình. Được mục sở thị “việc hẻm” ở hai con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Văn Nghệ, phường 15 vào những ngày cận tết vừa qua mới thấy việc hẻm đã có ở đây từ hơn 10 năm. “Việc hẻm” là câu chuyện thiết thực, hoàn toàn tự nguyện, đậm trách nhiệm cộng đồng cư dân đô thị, chan chứa tình làng nghĩa xóm.

Việc hẻm là của tất cả những hộ dân hiện hữu vách sát vách, hàng ngày cùng chung những mối quan tâm về điện - nước - an ninh trật tự… Việc hẻm được bắt đầu bằng cuộc họp toàn hẻm vào một tối cuối năm. Chóng vánh trong chừng nửa giờ, các vấn đề về tình hình hoạt động của ban quản lý hẻm trong năm qua được đưa ra bàn thảo: việc đóng tiền, ngày giờ tổ chức “việc hẻm” của năm nay.

Hẻm 166 Huỳnh Văn Nghệ, phường 15, quận Tân Bình - nơi tình làng, nghĩa xóm được phát huy. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Hẻm 166 Huỳnh Văn Nghệ, phường 15, quận Tân Bình - nơi tình làng, nghĩa xóm được phát huy. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Hầu như không thiếu một hộ nào, mỗi người một tay quét dọn, móc hầm ga và rửa con hẻm sạch  trong chốc lát. Phụ nữ tập trung làm bếp, nam giới chuẩn bị cúng kiếng, trẻ em thỏa thích nô đùa. Người trong một hẻm như trong một nhà!

Bữa tiệc tất niên bắt đầu. Khách mời là các anh cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn. Các bài hát dân ca ba miền vang lên theo tiếng đũa gõ chén sau khi các phương án về bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống hỏa hoạn và trộm cắp, giúp nhau lúc ngặt nghèo và nhiều việc nhân nghĩa khác đã được bàn dân chủ. “Việc hẻm” kết thúc. Ai về nhà nấy trong giấc ngủ thật bình yên. Bởi đêm đêm nếu có động, toàn hẻm sẽ có cả trăm người đồng lòng ứng phó! Chuyện ngặt nghèo, xưa cậy anh em xa, nay có cả láng giềng gần!

Rõ ràng, “việc hẻm” ở Tân Bình là hợp lòng dân, không vi hiến, mang tính phát kiến từ thực tiễn ở những khu dân cư mới, chưa thấy mặt trái. Vì thế, cần được cổ súy.

Nhiều người cho rằng, sự thành công trong quản lý đô thị của đảo quốc Singapore là pháp luật nghiêm minh nhưng trên thực tế đây chỉ là phần ngọn. Phần gốc đưa đến thành công của nền kinh tế, xã hội Singapore, là xây dựng thành công những cộng đồng dân cư hòa thuận - nhân ái trong từng chung cư.

Trong quy hoạch khu dân cư đô thị ở TPHCM những năm qua, chúng ta đặt nặng vấn đề tiện ích vật chất (đường - điện - nước - mảng xanh - nơi vui chơi - nơi mua sắm…) mà chưa thấy đưa vào tiêu chí “cộng đồng bác ái” (trừ khu đô thị Phú Mỹ Hưng, trong quy hoạch, các kiến trúc sư có hướng tới vấn đề “cộng đồng nhân văn”, song mô hình này khó nhân rộng, bởi đây là khu vực của những người có thu nhập ổn định ở mức cao). Chính vì vậy, trong tương lai, khi quy hoạch khu dân cư đô thị cũng cần phải xét đến tiêu chí “cộng đồng - bác ái”, để tình làng nghĩa xóm được phát huy trong từng khu phố…

PHAN TRỌNG

Tin cùng chuyên mục