Việc xây dựng các rạp hát hiện đại ở TPHCM: Bao giờ thành hiện thực?

Dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua, Hà Nội đã đưa vào sử dụng nhiều rạp hát, công trình văn hóa được xây mới và đặc biệt là khởi công xây dựng nhà hát Thăng Long hoành tráng ở khu đô thị mới Tây Hồ Tây do Renzo Piano (Ý), nhà tư vấn nổi tiếng thế giới, thiết kế. Còn ở TPHCM, chủ trương xây dựng những rạp hát hiện đại đã có từ lâu, nhưng thực tế ra sao?
Việc xây dựng các rạp hát hiện đại ở TPHCM: Bao giờ thành hiện thực?

Dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua, Hà Nội đã đưa vào sử dụng nhiều rạp hát, công trình văn hóa được xây mới và đặc biệt là khởi công xây dựng nhà hát Thăng Long hoành tráng ở khu đô thị mới Tây Hồ Tây do Renzo Piano (Ý), nhà tư vấn nổi tiếng thế giới, thiết kế. Còn ở TPHCM, chủ trương xây dựng những rạp hát hiện đại đã có từ lâu, nhưng thực tế ra sao?

  • Chuyện đâu chỉ của xiếc!

Từ năm 1998, TPHCM đã rục rịch xây dựng rạp hát đa năng dành cho xiếc ở Phú Thọ. Các công việc giải phóng mặt bằng, mời nhà tư vấn thiết kế… được khẩn trương tiến hành. Dự trù kinh phí xây dựng công trình văn hóa này hơn 400 tỷ đồng.

Rạp hát đa năng dành cho xiếc được kiến trúc sư Việt kiều Bỉ Phạm Minh Nhựt thiết kế cách đây 12 năm, vẫn chưa biết khi nào thành hiện thực?

Rạp hát đa năng dành cho xiếc được kiến trúc sư Việt kiều Bỉ Phạm Minh Nhựt thiết kế cách đây 12 năm, vẫn chưa biết khi nào thành hiện thực?

Đặc biệt hơn, sau đó công trình này còn được TP chọn đưa vào làm một trong 10 công trình trọng điểm của TP để thực hiện chào mừng 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những tưởng công trình sẽ sớm được khởi công, đưa vào sử dụng đúng tiến độ, nhưng nào ngờ, tất cả chỉ dừng lại trên giấy và mãi cho đến nay công trình này cũng vẫn chưa được khởi công.

Nhiều năm qua, các nghệ sĩ xiếc vẫn hoạt động cầm chừng ở Công viên 23-9 trong cảnh tạm bợ, dở khóc, dở cười. Dẫu các nghệ sĩ xiếc có muốn mua thú về nuôi, huấn luyện để có thêm tiết mục mới biểu diễn phục vụ tốt công chúng cũng không thể. Bởi chuồng trại tạm bợ, nếu đầu tư kinh phí mua về, sơ suất thú bị xổng chuồng, càng nguy hại hơn.

  • Bao giờ cho đến... hiện thực?

Trong số những rạp hát hiện đại mà TPHCM có chủ trương xây mới, chỉ có rạp hát cải lương và giao hưởng – vũ kịch đang có nhiều hy vọng sớm thành hiện thực nhất. Sau nhiều lần dời thời điểm khởi công vì phải điều chỉnh thiết kế, kết cấu…, rạp hát dành cho cải lương – rạp Hưng Đạo, đang trong giai đoạn hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị khởi công vào tháng 11-2010.

Còn rạp hát dành cho giao hưởng – vũ kịch TPHCM, sở dĩ có được niềm tin sớm được khởi công là bởi đây là một trong 3 công trình văn hóa mà Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã thông qua. Tuy nhiên, trên lý thuyết là vậy, còn thực tế?

Hiện nay, với công trình này, chỉ mới bước đầu xác định là sẽ xây dựng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm trên diện tích cả chục ha, còn thiết kế, dự toán kinh phí đều… chưa có gì!

Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM Nguyễn Thành Rum cho biết: “Nếu không có gì thay đổi, đầu năm 2011 chúng tôi sẽ tổ chức thi thiết kế quốc tế cho công trình này để chọn ra mẫu thiết kế tốt nhất…”.

Bao giờ các nghệ sĩ của Nhà hát Giao hưởng - Vũ kịch TPHCM có cơ ngơi ổn định? Ảnh: THÙY DƯƠNG

Bao giờ các nghệ sĩ của Nhà hát Giao hưởng - Vũ kịch TPHCM có cơ ngơi ổn định? Ảnh: THÙY DƯƠNG

  • Rà soát để sửa sai

Với rạp hát đa năng dành cho xiếc ở Phú Thọ, tình hình có vẻ chưa được sáng sủa, dù công trình này đã được thiết kế cách nay… 12 năm!

Theo Giám đốc Nguyễn Thành Rum, trước mắt, TP phải tiến hành thanh toán chi phí thiết kế của công trình này (khoảng 20 tỷ đồng) cho đối tác của Bỉ, rồi mới có thể tính tiếp khi nào khởi công.

Trước đây, khi có chủ trương của TP và bắt tay vào thực hiện công trình này, đáng lý ra các cơ quan chức năng phải tiến hành một cách bài bản, có ký hợp đồng với đối tác tư vấn thiết kế rõ ràng. Còn đằng này, làm việc với đối tác hoàn toàn không có một hợp đồng nào hết. Cho nên, giờ phải rà soát lại, sớm tìm cách tháo gỡ khó khăn và sửa sai.

Cái khó nữa là, với thiết kế và dự toán kinh phí trước đây, công trình sẽ được đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Nhưng nay, nếu muốn đầu tư xây dựng, kinh phí phải hơn 1.000 tỷ đồng.

Sẽ có Trung tâm kịch nói TPHCM

Trao đổi với chúng tôi về việc xây dựng những rạp hát hiện đại ở TPHCM, tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, cho biết: TPHCM đã có chủ trương cho Hội Sân khấu TPHCM kêu gọi đầu tư xây dựng Trung tâm kịch nói TPHCM tại trụ sở hiện hữu của hội (số 5B Võ Văn Tần, quận 3). Khi được xây dựng, nơi đây sẽ có 2 – 3 sân khấu để nghệ sĩ hoạt động biểu diễn.

Hiện nay, đang có rất nhiều đối tác muốn đầu tư vào đây. Hội đang tìm hiểu, chọn đối tác tốt nhất để có thể sang năm 2011 tiến hành thiết kế, xây dựng.

ĐỖ HẠNH – HỮU VIỆT

Tin cùng chuyên mục