Việt Nam có tỷ lệ người bị nhiễm virus viêm gan B cao thứ hai trên thế giới và viêm gan C đứng thứ ba thế giới. Trong khi đó, viêm gan B và viêm gan C lại rất dễ lây truyền và cũng là loại bệnh có ảnh hưởng nguy hại rất lớn đến sức khỏe.
Vẫn còn thờ ơ
Các phòng bệnh của Khoa Viêm gan - Bệnh viện (BV) Nhiệt đới trung ương luôn trong tình trạng chật kín người bệnh, với không ít trường hợp nhập viện điều trị muộn, khi mà bệnh đã có những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Sau gần 2 tuần điều trị nhưng bụng vẫn bị chướng, da và mắt vẫn bị vàng sậm, ông Lê Huy H. (54 tuổi, ở huyện Giao Thủy, Nam Định) mệt mỏi cho biết: “Tôi cũng thỉnh thoảng uống rượu nhưng quả thực không nghĩ mình lại bị viêm gan B. Chỉ khi cơ thể bỗng nhiên sút tới 4 - 5kg, người luôn mệt mỏi, chán ăn, vàng da, tôi mới tới BV khám, xét nghiệm, được các bác sĩ cho biết tôi đã bị mắc viêm gan B và đang trong giai đoạn chuyển sang xơ gan nên việc điều trị rất khó khăn”. Theo các bác sĩ, các trường hợp bệnh nhân bị viêm gan B hay viêm gan C không được phát hiện kịp thời và chỉ nhập viện điều trị khi bệnh đã có những biến chứng nguy hiểm là khá phổ biến, bởi lẽ bệnh viêm gan thường có những tiến triển chậm, không điển hình, nên người mắc bệnh thường chủ quan.
Đáng lo ngại hơn khi hiện nay, số người mang virus viêm gan B và viêm gan C ở nước ta chiếm tỷ lệ rất cao. Các kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B chiếm khoảng 6% dân số và tỷ lệ nhiễm virus viêm gan C khoảng 0,2% - 4%. Ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết ước tính hiện nay cả nước có khoảng 8,7 triệu người nhiễm virus viêm gan B và khoảng 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Số trường hợp tử vong do viêm gan B ở nước ta là hơn 23.000 người và tử vong do virus viêm gan C là xấp xỉ 7.000 người trường hợp.
Rất dễ lây nhiễm
Viêm gan B và viêm gan C đang còn là căn bệnh rất dễ lây truyền trong cộng đồng. PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Nhiệt đới trung ương, cảnh báo cả viêm gan B và C đều lây truyền qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang con. So với virus viêm gan B thì virus viêm gan C lây truyền “thầm lặng” hơn, chậm hơn và ít biểu hiện hơn, nhưng lại gây ra những hậu quả rất nặng nề. Phần lớn người mắc viêm gan C mạn tính cũng không có triệu chứng gì và vẫn sống gần như bình thường, chỉ khi bị xơ gan hoặc ung thư gan mới thể hiện các triệu chứng.
Viêm gan rất dễ lây nhiễm. Ảnh: I.T
Nguy hiểm hơn, hiện nay, bệnh viêm gan C còn ít được quan tâm trong cộng đồng so với viêm gan B và thế giới cũng chưa có vaccine phòng ngừa viêm gan C. Trong khi đó, hiện nay các loại thuốc điều trị viêm gan, đặc biệt là viêm gan C rất đắt đỏ, tốn kém. Nhiều chuyên gia y tế cho biết, hiện nay, một liệu trình điều trị viêm gan C trong vài tháng, chỉ riêng tiền thuốc cũng lên tới 200 triệu đồng vì có những loại thuốc điều trị giá tới 4 - 5 triệu đồng/viên. Đây là số tiền rất lớn nên không ít người bỏ dở quá trình điều trị, khiến bệnh chuyển sang viêm gan, dần dần đến xơ gan, ung thư gan.
Trước thực trạng số người mắc viêm gan B và C đang ở mức rất cao, PGS-TS Nguyễn Văn Kính khuyến cáo, để phòng ngừa viêm gan B thì người dân nên tiêm phòng vaccine, đặc biệt tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch của chương trình tiêm chủng. Đối với người bị viêm gan C mãn tính hoặc người lành mang virus viêm gan C cần được khám bệnh định kỳ theo lời dặn của bác sĩ. Đặc biệt, Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện phác đồ điều trị viêm gan virus C, cập nhật thuốc điều trị mới, sớm ban hành làm cơ sở đề xuất Quỹ BHYT thanh toán cho người bệnh để giảm gánh nặng chi phí điều trị.
MINH KHANG