Viện trợ không hoàn lại 2,75 triệu USD hỗ trợ người cao tuổi tại Việt Nam

Ước tính sẽ có khoảng 27.000 người ở 6 tỉnh/thành phố được hưởng lợi từ các can thiệp của dự án, 70% trong số đó là người cao tuổi.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Ảnh minh họa
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Ảnh minh họa

Ngày 29-9, Ngân hàng Thế giới và các đối tác đã tổ chức lễ khởi động một dự án mới nhằm hỗ trợ cải thiện điều kiện kinh tế và sức khỏe của người cao tuổi tại Việt Nam, với khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 2,75 triệu USD do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản do Ngân hàng Thế giới quản lý.

Mạng lưới toàn cầu vì quyền của người cao tuổi HelpAge International tại Việt Nam cùng với các Hội Người cao tuổi cấp tỉnh sẽ phối hợp thực hiện dự án với mục tiêu hỗ trợ nhân rộng mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng nhằm thúc đẩy quá trình già hóa tích cực, tăng cường sức khỏe và thu nhập của người cao tuổi. Ước tính sẽ có khoảng 27.000 người ở 6 tỉnh/thành phố được hưởng lợi từ các can thiệp của dự án, 70% trong số đó là người cao tuổi.

Hoạt động chính của dự án sẽ là mở rộng mạng lưới Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau (CLB LTH TGN) thông qua việc xây dựng ít nhất 180 CLB mới. Mô hình này được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2006 và đã được Chính phủ ghi nhận hiệu quả cũng như lồng ghép vào các chính sách quốc gia với phương pháp tiếp cận tổng thể  đáp ứng nhiều nhu cầu của người cao tuổi.

Mỗi CLB tự quản này, với khoảng 50-70 thành viên, tiến hành nhiều hoạt động đa dạng và phong phú giữa các thế hệ để giúp người tham gia tăng thu nhập, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời hiểu rõ quyền của mình. Thông qua mạng lưới tình nguyện viên, các CLB cũng cung cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà, để đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu cá nhân và các nhu cầu khác.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới với nhóm dân số 65 tuổi trở lên dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2050. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần điều chỉnh hệ thống y tế và chăm sóc xã hội tương ứng để phù hợp với dân số già.

Tin cùng chuyên mục