Việt Nam bắt buộc dán nhãn năng lượng cho thiết bị sử dụng điện

Ngày 1-1-2013 là thời hạn bắt buộc cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm sử dụng năng lượng phải thực hiện dán nhãn năng lượng theo quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nhằm chủ động cho hoạt động trên, Sở Công thương TPHCM đã phối hợp với Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Tổng Công ty Điện lực và các đơn vị có liên quan của TPHCM tổ chức nhiều buổi hội thảo, hội nghị để tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn thông tin về quy định này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Hòa, Phó Trưởng Phòng Quản lý Năng lượng, Sở Công thương TPHCM.
Việt Nam bắt buộc dán nhãn năng lượng cho thiết bị sử dụng điện

Ngày 1-1-2013 là thời hạn bắt buộc cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm sử dụng năng lượng phải thực hiện dán nhãn năng lượng theo quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nhằm chủ động cho hoạt động trên, Sở Công thương TPHCM đã phối hợp với Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Tổng Công ty Điện lực và các đơn vị có liên quan của TPHCM tổ chức nhiều buổi hội thảo, hội nghị để tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn thông tin về quy định này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Hòa, Phó Trưởng Phòng Quản lý Năng lượng, Sở Công thương TPHCM.

Thưa ông, ông có thể cho biết những quy định về việc nhãn năng lượng hiện nay và nó sẽ đóng vai trò như thế nào đối với các sản phẩm sử dụng năng lượng?

- Như chúng ta đã biết, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-1-2011 vừa rồi, tiếp sau đó Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29-3-2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó có quy định về việc dán nhãn năng lượng đối với các nhóm phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.

Cụ thể hơn được quy định tại Thông tư số 07/2012/TT-BCT ngày 4-4-2012 của Bộ Công thương thì sẽ có 2 loại nhãn năng lượng được sử dụng là nhãn năng lượng xác nhận và nhãn năng lượng so sánh. Nhãn năng lượng xác nhận là nhãn thể hiện hình biểu tượng tiết kiệm năng lượng (hay còn gọi là ngôi sao năng lượng Việt) được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường có mức hiệu suất năng lượng đạt hoặc vượt mức hiệu suất năng lượng cao do Bộ Công thương quy định theo từng thời kỳ. Còn nhãn năng lượng so sánh là nhãn được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường, nhằm cung cấp cho người tiêu dùng biết những thông tin về hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị đó so với các phương tiện, thiết bị cùng loại khác trên thị trường. Hình ảnh nhãn năng lượng này thể hiện 05 cấp hiệu suất năng lượng khác nhau (được thể hiện từ 1 sao đến 5 sao) và tùy theo mức hiệu suất năng lượng của từng loại phương tiện, thiết bị sẽ được dán một nhãn năng lượng tương ứng.

Như vậy, khi nhãn năng lượng được dán lên phương tiện, thiết bị nó sẽ thể hiện mức hiệu suất năng lượng của sản phẩm đó. Đây sẽ là một trong những tiêu chí quan trọng để người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Đồng thời sẽ là yếu tố cạnh tranh tích cực của các nhà sản xuất trong việc cho ra những sản phẩm có mức hiệu suất năng lượng cao. Qua đó, sẽ hạn chế và loại bỏ dần những phương tiện, thiết bị có mức hiệu suất năng lượng không đạt chuẩn lưu hành trên thị trường.

Người dân chọn mua sản phẩm điện tử tại một siêu thị điện máy tại TPHCM

Người dân chọn mua sản phẩm điện tử tại một siêu thị điện máy tại TPHCM

Hiện nay, những loại phương tiện, thiết bị nào yêu cầu bắt buộc phải dán nhãn năng lượng đầu tiên tại Việt Nam, thưa ông?

Theo quy định tại Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg ngày 12-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và lộ trình thực hiện thì nhóm thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nghiệp sẽ được áp dụng dán nhãn năng lượng bắt buộc đầu tiên tại Việt Nam, cụ thể các loại thiết bị như: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử dùng cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình, còn nhóm thiết bị công nghiệp là máy biến áp phân phối và động cơ điện.

Thời gian nào chính thức quy định việc dán nhãn năng lượng đối với các sản phẩm sử dụng năng lượng và nếu chưa đăng ký, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt như thế nào?

- Thời gian chính thức áp dụng dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với nhóm thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nghiệp là từ ngày 1-1-2013.

- Đối với nhóm thiết bị văn phòng và thương mại như: máy photocopy, màn hình máy tính, máy in, tủ giữ lạnh thương mại thì thời gian bắt buộc dán nhãn năng lượng từ 1-1-2014.

- Và đối với nhóm phương tiện giao thông vận tải như: xe ô tô loại 7 chỗ trở xuống thì bắt buộc dán nhãn năng lượng từ 1-1-2015.

Sau thời gian trên, nếu các doanh nghiệp sản xuất, đơn vị nhập khẩu các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng không thực hiện việc dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị do đơn vị mình sản xuất, nhập khẩu sẽ có biện pháp chế tài, cụ thể là sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 73/2011/NĐ-CP ngày 24-8-2011 của Chính phủ với mức phạt tiền lên đến 50 triệu đồng và sẽ bị cấm loại phương tiện, thiết bị đó lưu thông trên thị trường.

Theo ông, việc dán nhãn năng lượng cho các loại phương tiện, thiết bị sẽ mang lại lợi ích gì cho người tiêu dùng và cả doanh nghiệp đăng ký dán nhãn năng lượng?

Khi việc dán nhãn năng lượng bắt buộc thực hiện theo lộ trình đối với các nhóm thiết bị, phương tiện như tôi vừa nói ở trên thì các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường phải được thực hiện kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng theo quy định và nếu đạt yêu cầu về mức hiệu suất năng lượng sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết và chọn mua sản phẩm thực sự tiết kiệm năng lượng, đảm bảo chất lượng, nhằm nâng cao hiệu quả việc sử dụng năng lượng, cải thiện môi trường và đặc biệt là giảm chi tiêu lãng phí cho gia đình và xã hội.

Đồng thời, với xu thế giá năng lượng ngày một tăng cao thì chỉ tiêu ưu tiên về giá và mẫu mã khi chọn mua sản phẩm của người tiêu dùng cũng dần sẽ được thay đổi và thay vào đó là chỉ tiêu về tiết kiệm năng lượng sẽ được ưu tiên hơn cả. Do đó, đối với các doanh nghiệp sản xuất tham gia dán nhãn năng lượng thì đây là thời điểm để các doanh nghiệp có tư duy đổi mới, đầu tư công nghệ cải tiến sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng và là cơ hội để các doanh nghiệp khẳng định tính ưu việt về mức hiệu suất năng lượng của các sản phẩm do mình sản xuất ra so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường và qua đó sẽ nâng cao được tính cạnh tranh công bằng trên thị trường. Hy vọng rằng mỗi cá nhân, doanh nghiệp sẽ có hành động thiết thực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn, góp phần thực hiện chiến lược năng lượng quốc gia và giảm thiểu ô nhiễm để bảo vệ môi trường.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục