(SGGP).- Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 12-11, trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Bộ Ngoại giao đối với bài phát biểu vừa qua của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Singapore, cho rằng các đảo ở biển Đông là của Trung Quốc từ thời cổ đại…; người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của mình với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Chúng tôi yêu cầu các bên tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, không có lời nói và hành động làm phức tạp thêm tình hình biển Đông, đóng góp tích cực cho hòa bình ổn định ở khu vực và thế giới”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam trước thông tin Indonesia tuyên bố có thể kiện Trung Quốc ra tòa án hình sự quốc tế nếu tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh với phần lớn biển Đông và một phần lãnh thổ của nước này không được giải quyết thông qua đối thoại, ông Lê Hải Bình cho biết: “Chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết các vấn đề liên quan đến biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982. Chúng tôi cho rằng, các quốc gia có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình và phù hợp để giải quyết các tranh chấp quốc tế có liên quan đến mình”. Trước việc ngày 10-11 vừa qua, Trung Quốc đề nghị Philippines không đưa vấn đề biển Đông ở Hội nghị APEC sẽ diễn ra vào tuần tới, ông Lê Hải Bình cho hay: “Các nền kinh tế APEC sẽ bàn về các vấn đề về hòa bình, hợp tác phát triển trong khu vực cũng như các vấn đề khác nếu như các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế APEC cảm thấy phù hợp”.
Cũng tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam về cuộc bầu cử vừa diễn ra tại Myanmar, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam chúc mừng Myanmar đã tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử vào ngày 8-11 vừa qua. Từ trước tới nay, Việt Nam luôn ủng hộ tiến trình hòa hợp, hòa giải dân tộc, đối thoại và hợp tác ở Myanmar. Chúng tôi hy vọng tình hình ở Myanmar luôn ổn định và phát triển. Qua đó đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới”.
THÀNH NAM