Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý vững chắc về chủ quyền đối với Hoàng Sa

Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, xung quanh biện pháp đấu tranh với việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý vững chắc về chủ quyền đối với Hoàng Sa

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội ĐINH XUÂN THẢO:

Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, xung quanh biện pháp đấu tranh với việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam.

Phóng viên Báo SGGP phỏng vấn ông Đinh Xuân Thảo

Phóng viên Báo SGGP phỏng vấn ông Đinh Xuân Thảo

- Phóng viên: Nhiều đại biểu Quốc hội đã cho rằng, chúng ta đấu tranh với Trung Quốc trong hòa bình nhưng cũng phải có trọng tài. Theo ông, nếu ra trọng tài quốc tế, chúng ta có tự tin với chứng cứ pháp lý của mình?

>> Ông ĐINH XUÂN THẢO: Nói chứng cứ pháp lý thì trước tiên phải nói về mặt lịch sử, Việt Nam có chủ quyền rất sớm ở quần đảo Hoàng Sa, người dân Việt Nam đã có mặt ở đó từ trước. Các bản đồ cổ đều thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền quốc gia An Nam. Tức là cả về sự hiện diện của con người, sự thể hiện qua các bản đồ, bút lục... đều cho thấy Việt Nam có chủ quyền với Hoàng Sa. Việc Việt Nam có đủ chứng cứ pháp lý và hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế không phải đến bây giờ chúng ta mới đặt vấn đề, mà chúng ta đã nói từ lâu. Việt Nam cũng đã luôn có ý thức để củng cố chứng cứ pháp lý của mình. Kiện ra tòa quốc tế cũng là một phương án. Nếu cần thiết thì phải tiến hành kiện ra tòa án quốc tế về việc thực thi luật pháp quốc tế.

Kiện thì đương nhiên chúng ta có đủ chứng cứ pháp lý, không chỉ về mặt lịch sử như tôi đã nói ở trên mà cả về mặt pháp luật quốc tế. Nếu kiện cũng sẽ trên cơ sở của Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, trong đó nói rõ về sự có mặt, chủ quyền của một quốc gia đối với vùng biển đảo. Một là anh phải đến trước, thứ hai phải là sự liên tục. Điều này thì Việt Nam hoàn toàn có đủ chứng cứ để chứng minh chủ quyền của chúng ta ở quần đảo Hoàng Sa. Còn Việt Nam có sự đứt quãng ở quần đảo Hoàng Sa là do vào năm 1974, quần đảo này của Việt Nam bị Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đoạt, mà sự chiếm đoạt này là bất hợp pháp, trái với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Thứ hai, nói về khoảng cách thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế thì vị trí hiện nay Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 là hoàn toàn nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vị trí này chỉ cách bờ biển Việt Nam 193km, tức là khoảng hơn 130 hải lý. Vì vậy rõ ràng theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 thì nó thuộc hoàn toàn chủ quyền, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

- Về mặt pháp lý, chúng ta cần làm rõ điều gì, thưa ông?

Ngoài những điều tôi đã nêu thì cần làm rõ một điều, tuyên bố của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” đưa ra sau khi Việt Nam đã nộp báo cáo về thềm lục địa lên Liên hiệp quốc theo quy định về việc thực thi Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Báo cáo của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” không ai chấp nhận được cả, đa số các nước phản đối. Nếu nói đến vùng nước, vùng đặc quyền kinh tế gắn với thềm lục địa thì chắc chắn ra tòa án quốc tế, Việt Nam có cơ sở chắc chắn để thắng kiện. Vì sao? Vì Trung Quốc đưa ra chỉ với 2 cái lý. Thứ nhất, họ coi vùng biển đó đang là vùng biển tranh chấp, bởi vì họ quan niệm chủ quyền của Việt Nam là nằm ở phía trong “đường lưỡi bò” mà họ vạch ra. Trong khi “đường lưỡi bò”ø của họ vạch ra cách bờ của Việt Nam chỉ 21 hải lý. Điều này là không thể chấp nhận. Thứ hai, họ nói Hoàng Sa là của họ, vì vậy giàn khoan Hải Dương-981 là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Nhưng ở đây có 2 cái sai: trước tiên, cái mốc của họ tự đặt ra là sai (vì “đường lưỡi bò” của họ là sai); mặt khác theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, dạng quần đảo như Hoàng Sa không áp dụng quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, tính từ Hoàng Sa. Mà nó phải là quốc gia quần đảo như Philippines hay Indonesia. Phải là quốc gia quần đảo, chứ không phải quần đảo, thì mới được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế đến 200 hải lý. Như vậy, cả 2 lý do mà Trung Quốc viện dẫn ra để khẳng định giàn khoan Hải Dương-981 nằm trong vùng chủ quyền của họ đều sai. Thêm nữa, “đường lưỡi bò” càng sai, vì vậy tất cả các lý do mà Trung Quốc đưa ra đều không có cơ sở. Vì vậy, tôi tin nếu đưa những vấn đề thuộc về mặt pháp lý này ra trọng tài quốc tế thì Việt Nam sẽ có cơ sở thắng.

- Vậy chúng ta có nên quyết tâm đưa vấn đề này ra trọng tài quốc tế không?

Việc kiện thì Philippines đã làm rồi. Việt Nam cũng đã tính đến phương án này. Hiện nay, chúng ta vẫn khẳng định là sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ chủ quyền, đặc biệt chúng ta đã nói rõ ưu tiên các biện pháp hòa bình. Vì vậy, ngoài các biện pháp ngoại giao hiện nay mà chúng ta đã làm như lên tiếng, yêu cầu... thì giải pháp cuối cùng của biện pháp hòa bình là kiện ra tòa án quốc tế. Tôi quan niệm, kiện Trung Quốc thì coi như đó đã là giải pháp cuối cùng của biện pháp hòa bình. Và đó là điều mà luật pháp quốc tế cho phép, vì có tòa án về luật biển, cũng như thực tiễn đã có nước kiện. Trong khi đó, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý vững chắc thì đây hoàn toàn có thể là một biện pháp mà chúng ta tính đến. Tất nhiên, chúng ta phải chuẩn bị thật cẩn thận, thu thập chứng cứ thật đầy đủ, chỉ kiện khi chúng ta chắc thắng.

- Ngày 21-5, Quốc hội đã ra thông cáo về vấn đề biển Đông. Nhân dân vẫn mong đợi một nghị quyết của Quốc hội, quan điểm của ông thế nào?

Việc tuyên truyền, chúng ta đang làm. Bất cứ giải pháp nào cũng phải có sự thống nhất. Quốc hội đã nghe Chính phủ - cơ quan hành pháp báo cáo và cũng đã thảo luận. Quốc hội sẽ bàn kỹ. Quan điểm là ủng hộ các giải pháp đúng đắn của Chính phủ. Trước mắt, tôi cho rằng Quốc hội chưa cần phải ra nghị quyết hay tuyên bố riêng về biển Đông.

LÂM NGUYÊN (thực hiện)

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý vững chắc về chủ quyền đối với Hoàng Sa ảnh 2

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm trả lời phỏng vấn bên hành lang kỳ họp Quốc hội.

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý vững chắc về chủ quyền đối với Hoàng Sa ảnh 3

Tin cùng chuyên mục