Trận động đất tại Nepal vào ngày 25-4 vừa qua khiến nhiều người băn khoăn lo lắng trước câu hỏi liệu ở Việt Nam có xảy ra động đất lớn như vậy không? Trao đổi với báo giới, PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) khẳng định điều này sẽ khó xảy ra nhưng một trận động đất khoảng 7 độ richter là khó tránh khỏi.
° Phóng viên: Liệu có mối liên hệ nào giữa trận động đất tại Nepal và Việt Nam không thưa ông?
° Ông NGUYỄN HỒNG PHƯƠNG: Người dân hoàn toàn yên tâm rằng Nepal cách xa Việt Nam khoảng 3.000km vì vậy chúng ta nằm ngoài vùng dư chấn của trận động đất kinh hoàng này và không có tác động nào xảy ra.
°Tuy nhiên Việt Nam có khả năng xảy ra những trận động đất cường độ lớn như vậy không?
° Theo phân tích và nghiên cứu của chúng tôi, Việt Nam không có khả năng xảy ra những trận động đất cường độ lớn như vậy. Thứ nhất, trận động đất ở Nepal xảy ra vào ngày 25-4 vừa qua là do đất nước này nằm trên vành đai núi lửa xuyên Á, các mảng kiến tạo Ấn Độ di chuyển về phía Bắc, vào Trung Á với tốc độ 5cm một năm. Điều này dẫn đến việc đứt gãy ở vỏ Trái đất và tác động đến dãy núi Himalaya. Tại khu vực này thường xảy ra những trận động đất cường độ lớn như trận động đất 8,2 độ richter năm 1934 tại Bihar; vụ động đất 7,5 độ richter tại Kangra năm 1905 và cơn địa chấn 7,6 độ richter tại Kashmir năm 2005. Hai vụ sau là những trận động đất có số người thiệt mạng cao nhất tại Himalaya cho đến nay, với hơn 100.000 người thiệt mạng và khiến hàng triệu người vô gia cư.
Thứ hai, Việt Nam nằm ngoài vành đai núi lửa của thế giới, không nằm trên những rãnh đứt gãy sâu, vì vậy không có khả năng xảy ra những trận động đất dữ dội.
° Nhưng trên thực tế chúng ta đã xảy ra những trận động đất...
° Đúng như vậy, năm 1935, Việt Nam ghi nhận 1 trận động đất lớn 6,75 độ richter ở Điện Biên, trên đới đứt gãy sông Mã và năm 1983 một trận động đất 6,8 độ richter xảy ra ở Tuần Giáo nằm trên đới đứt gãy Sơn La. Tuy nhiên, cả hai trận động đất này đều không gây ra hậu quả nặng nề cho Việt Nam. Vì thời điểm đó, khu vực Điện Biên, Lai Châu dân cư còn thưa thớt, nhà cửa chủ yếu làm bằng gỗ, vách đất, chưa có công trình cao tầng lớn. Ngoài ra, vùng ngoài khơi Nam Trung bộ, năm 1923 cũng có 1 trận động đất 6,1 độ richter (thuộc vùng biển Vũng Tàu, Phan Thiết). Trận động đất này đi cùng hiện tượng phun trào núi lửa Hòn Choi, trên đới đứt gãy kinh tuyến 109-110. Hiện nay khu vực Tây Bắc nằm trên đới đứt gãy Điện Biên - Lai Châu vẫn đang hoạt động, vì vậy khả năng tái diễn những trận động đất lớn tương tự năm 1935 và 1983 là hoàn toàn có thể xảy ra. Theo nhận định thì có thể có những trận động đất lên tới cường độ khoảng 7 độ richter. Do vậy, chúng ta cần quan tâm và lo ngại về điều này.
Trong khi đó, chưa quốc gia nào trên thế giới dự báo được động đất, chỉ lập bản đồ cảnh báo các vùng có thể xảy ra động đất và dự báo cường độ lớn nhất là bao nhiêu mà thôi. Việt Nam hiện đã xây dựng 25 trạm địa chấn, ghi nhận động đất. Trận động đất ở Nepal vừa qua, trạm quan trắc ở Việt Nam cũng ghi nhận được. Trạm địa chấn gửi số liệu thời gian thực về Viện Vật lý địa cầu.
° Còn tại 2 vùng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long có khả năng xảy ra những trận động đất lớn không?
° Vùng đồng bằng sông Cửu Long khả năng xảy ra động đất ít hơn, vì địa chất ổn định, nằm xa những vùng kiến tạo lớn của Việt Nam. Còn khu vực đồng bằng sông Hồng khả năng xảy ra động đất cao, vì nằm trên những đới đứt gãy đang hoạt động gồm đới đứt gãy sông Hồng, sông Lô và sông Chảy. Nhưng khó có thể xảy ra những trận động đất dữ dội như vùng Tây Bắc. Theo cảnh báo của chúng tôi, động đất mạnh nhất ở khu vực đồng bằng sông Hồng có thể gây rung chấn trên bề mặt ở cấp 8 (thang quốc tế chia 12 cấp). Đây cũng là mức rung chấn lớn, trong khi đó, trong các trận động đất, rung chấn mặt đất gây ra thiệt hại nặng về nhất, vì vậy không thể chủ quan và ngay từ bây giờ chúng ta phải có phương án, lên các kịch bản về động đất.
° Xin cảm ơn ông!
VĂN PHÚC