Tham dự hội nghị có ông Lê Quang Cường- Thứ trưởng Bộ Y tế cùng hơn 300 đại biểu, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như: Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường nêu rõ, hội nghị lần này nhằm mục tiêu đưa ra đường lối và chiến lược phòng chống ung thu, đồng thời tạo cơ hội học tập, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm một cách toàn diện trong lĩnh vực kiểm soát ung thư bao gồm: Dịch tễ học và giám sát ghi nhận ung thư; Dự phòng và sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư; Các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư; Chăm sóc giảm nhẹ bệnh ung thư; Chi phí và hiệu quả trong phòng chống bệnh ung thư; Hỗ trợ tâm lý xã hội cho người bệnh ung thư.
Theo Bộ Y tế bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước và đòi hỏi sự quan tậm đặc biệt của toàn xã hội. Số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người chết vì ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.
Đáng chú ý, bên cạnh những thành tựu phát triển về kinh tế xã hội, Việt Nam cũng đã có nhiều tiến bộ trong công tác phòng chống ung thư trong nhiều lĩnh vực như: nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống, phát hiện sớm ung thư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tăng 5 – 10% tỷ lệ bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm, đồng thời giảm tỷ lệ tử vong của một số loại ung thư: vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng, cũng như nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư.
Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác, Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu tới năm 2025 có 70% người trưởng thành hiểu biết về bệnh ung thư ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng, kinh tế, xã hội của đất nước, cũng như các nguyên tắc phòng chống bệnh. Giảm 30% tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành so với năm 2015; giảm tỷ lệ hút thuốc ở nhóm vị thành niên xuống còn 3,6%; giảm 10% tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại ở người trưởng thành so với năm 2015; 40% số người mắc một số bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm; giảm 20% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do bệnh ung thư.
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia cho biết, tại hội nghị, Bệnh viện K trung ương đã cùng với một số chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ung thư của thế giới tổ chức được 4 khóa đào tạo về các lĩnh vực: Phân tích cấu phần trong xác định yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm và ung thư; ứng dụng ngân hàng sinh học trong nghiên cứu và kiểm soát ung thư; chẩn đoán sớm, điều trị phẫu thuật và tiên lượng ung thư dạ dày; Chăm bệnh bệnh nhân ung thư.
Đặc biệt nhân dịp này, Viện Ung thư Quốc gia - Trường cao học khoa học và chính sách ung thư, Trung tâm ung thư quốc gia Hàn Quốc - Viện Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực kiểm soát và phòng chống ung thư.