Việt Nam đứng đầu trong lựa chọn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản

Hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ lựa chọn Việt Nam để mở rộng hoạt động kinh doanh trong năm 2016. Đó là kết quả khảo sát mới nhất về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương vừa được ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM công bố ngày 23-2.
Việt Nam đứng đầu trong lựa chọn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản

(SGGP).- Hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ lựa chọn Việt Nam để mở rộng hoạt động kinh doanh trong năm 2016. Đó là kết quả khảo sát mới nhất về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương vừa được ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM công bố ngày 23-2.

Theo ông Yasuzumi Hirotaka, dù tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam làm ăn năm ngoái có lãi chiếm 58,8%, giảm 3,5% so với năm 2014 và số doanh nghiệp báo lỗ chiếm 26,2%, tăng 1,3% so với năm trước nhưng điều này vẫn không làm suy giảm ý định mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Nguyên nhân là theo các doanh nghiệp Nhật Bản, xét trên tổng quan chung với 15 quốc gia mà doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư thì Việt Nam vẫn có lợi thế hơn là khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao. Đáng chú ý là trong khối doanh nghiệp phi chế tạo, hơn 65% doanh nghiệp đánh giá khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Xét về chi phí sản xuất, Việt Nam có lợi thế nhất là chi phí nhân công rẻ, chỉ cao hơn chi phí nhân công ở Philippines và Bangladesh nhưng chưa bằng một nửa so với Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia.

Sản xuất sản phẩm cơ khí tại Misumi Group Company trong Khu chế xuất Linh Trung, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã chỉ ra nhiều yếu kém của môi trường đầu tư mà Việt Nam cần được cải thiện để giảm thiểu các rủi ro trong đầu tư kinh doanh. Trên 60% doanh nghiệp cho rằng hệ thống pháp luật Việt Nam chưa hoàn thiện, vận hành thiếu  minh bạch, cơ chế, thủ tục thuế phức tạp. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 trong 15 quốc gia có rủi ro cao về thủ tục hành chính phức tạp. Về tình hình cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện nội địa của Việt Nam tuy là có cải thiện hơn 5 năm trước nhưng rất chậm (chỉ tăng gần 10%), đạt 32,1%. Tỷ lệ này còn khá thấp so với các nước khác như Malaysia đạt 36%, Indonesia (40,5%), Thái Lan (55,5%) và Trung Quốc (64,8%). Điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản. Do vậy, ông Hirotaka cũng kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa những giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong việc tiếp cận vốn vay, kỹ thuật, đào tạo... để những doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh, tăng nội lực cung ứng.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục