Việt Nam đứng thứ 69/190 về môi trường kinh doanh năm 2019

Báo cáo “Môi trường kinh doanh 2019: Đào tạo để cải cách” (Doing Business 2019) của Ngân hàng Thế giới (WB) thì Việt Nam được xếp hạng 69/190 nền kinh tế được khảo sát về môi trường kinh doanh - giảm 1 bậc so với báo cáo năm 2018.

Báo cáo này nghiên cứu trên 10 chỉ số gồm: nộp thuế, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng, cấp phép xây dựng, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư, chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng, khởi sự kinh doanh, đăng ký sở hữu tài sản, giao dịch thương mại qua biên giới, giải quyết phá sản doanh nghiệp.

Báo cáo ghi nhận các nền kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có 43 cải cách để tăng cường sự thuận tiện trong kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có 2/25 nền kinh tế khu vực được lọt vào nhóm 10 nền kinh tế đứng đầu thế giới về môi trường kinh doanh là Singapore (đứng thứ 2) và Đặc khu hành chính Hồng Công (đứng thứ 4). Trung Quốc nằm trong nhóm 10 nước cải thiện nhanh nhất trên thế giới. Với 7 cải cách trong một năm, Trung Quốc vượt lên đứng hạng 46 trong bảng xếp hạng toàn cầu. 

Indonesia và Việt Nam đều thực hiện 3 cải cách trong năm qua. Tại Indonesia, các cải cách nhằm giảm bớt quy trình thành lập doanh nghiệp, đăng ký tài sản và cải thiện tiếp cận tín dụng. Ở Việt Nam, các cải cách giúp thuận tiện hơn trong thực thi hợp đồng, trả thuế và thành lập doanh nghiệp. Một số lĩnh vực chưa cải cách tốt đã được WB cho rằng cần phải cải cách hơn nữa đó là hoạt động thực thi hợp đồng; các hệ thống giải quyết tranh chấp thay thế và các tòa án thương mại chuyên biệt (3/4 nền kinh tế khu vực không có tòa án thương mại chuyên biệt và chi phí giải quyết tranh chấp thương mại trong khu vực trung bình là 47% của giá trị tranh chấp, so với 33% trên toàn cầu)...

Với 10 chỉ số được đánh giá, Việt Nam có 6 chỉ số tăng điểm gồm nộp thuế, tiếp cận điện năng, cấp phép xây dựng, chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng, khởi sự kinh doanh, đăng ký sở hữu tài sản; 3 chỉ số giữ nguyên điểm gồm tiếp cận tín dụng, giao dịch thương mại qua biên giới, bảo vệ nhà đầu tư thiểu số và 1 chỉ số tụt hạng là giải quyết phá sản doanh nghiệp. Trong đó, chỉ số tiếp cận điện năng có sự cải thiện mạnh mẽ nhất, đạt 87,9 điểm, tăng 9,25 điểm so với năm trước. Chỉ số khởi sự doanh nghiệp đạt 84,8 điểm nhờ việc thành lập doanh nghiệp dễ dàng hơn bằng phương thức đăng ký trực tuyến và giảm chi phí đăng ký kinh doanh. Chỉ số nộp thuế đạt 62,87 điểm nhờ việc cải tiến nộp thuế dễ dàng hơn, không còn đòi hỏi phải nộp bản sao cứng của tờ khai thuế giá trị gia tăng và cho phép thanh toán chung thuế môn bài và thuế giá trị gia tăng.

Dù Việt Nam có nhiều nỗ lực trong cải cách nhưng vẫn tụt hạng do các nền kinh tế khác cải cách mạnh mẽ hơn. Cụ thể, Singapore đứng thứ 2, Malaysia 15, Thái Lan 27, Brunei 55, còn những thị trường đứng sau Việt Nam là Indonesia đứng thứ 73, Philippines 124, Campuchia 138, Lào 154, Timor-Leste 178 và Myanmar 171.

Tin cùng chuyên mục