Việt Nam sẽ đi đầu trong cuộc cách mạng số

Muốn đi trong cuộc cách mạng số thì việc đầu tiên phải là phổ cập smartphone. Phổ cập smartphone là nền tảng để đưa các ứng dụng số đến mọi người dân. 

Chiều 15-1, tại Hà Nội, Bộ TT-TT đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch 2019 với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng.

Việt Nam sẽ đi đầu trong cuộc cách mạng số ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng Bộ trưởng Bộ TT-TT  Nguyễn Mạnh Hùng tham quan một gian triển lãm về thành tựu ICT bên lề hội nghị.
Việt Nam sẽ là cường quốc an ninh mạng

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hạ tầng viễn thông không chỉ là hạ tầng thông tin liên lạc, mà nay là hạ tầng của kinh tế số, xã hội số, hạ tầng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), hạ tầng kết nối vạn vật.

Phổ cập smartphone và dịch vụ di động băng rộng sẽ thay cho phổ cập điện thoại. Việt Nam muốn đi đầu trong cuộc cách mạnh số thì đầu tiên phải là phổ cập smartphone. Phổ cập smartphone là nền tảng để đưa các ứng dụng đến mọi người dân. Cấp phép tần số 4G, thử nghiệm 5G là để tăng dung lượng, tăng sử dụng data trên mỗi người dân, tăng chất lượng mạng di động băng rộng.

Việt Nam phải đi cùng nhịp với thế giới về các công nghệ mới, chúng ta sẽ không chậm chân 8 năm, 10 năm như đối với 3G và 4G nữa. Thứ hạng viễn thông Việt Nam trên thế giới từ vị trí 108 phải về thứ hạng 30 đến 50. Bộ TT-TT sẽ thí điểm dịch vụ “Mobile Money”, cho phép khách hàng chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông sẽ giúp thanh toán điện tử đến được mọi người dân, dù ở bất kỳ đâu, sẽ kích thích kinh tế tăng trưởng.

Phát triển viễn thông phải đảm bảo yếu tố bền vững, khi thị trường điện thoại đã bão hoà thì phải chuyển nguồn lực sang khai phá các thị trường mới, không gian mới, thay vì vẫn tiếp tục cạnh tranh đến mức thiếu lành mạnh trên thị trường cũ, dẫn đến vấn nạn SIM rác. Bộ TT-TT sẽ làm rất nghiêm việc quản lý cạnh tranh và SIM rác.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, xã hội số sẽ là câu chuyện bao trùm trong nhiều thập kỷ tới. Vì vậy, cần xây dựng chiến lược, đề án trong năm 2019, làm rõ kinh tế số, CMCN 4.0 trong từng lĩnh vực thì phải làm gì.

Trong ASEAN thì Việt Nam đang đi chậm nhất về kinh tế số, Thái Lan đã đổi tên Bộ Viễn thông - CNTT thành bộ Kinh tế số, xã hội số được 3 năm. Để đẩy nhanh việc ứng dụng CNTT trong Chính phủ, từ Trung ương tới các địa phương, thì trong phân bổ ngân sách phải có hạng mục chi cho CNTT, hạt nhân triển khai CNTT tại các địa phương phải giao cho Sở TT&TT, sửa đổi các qui định về dự án CNTT, thuê dịch vụ CNTT, theo hướng đặc thù, chuyển một phần quỹ viễn thông công ích sang chi cho CNTT. Các doanh nghiệp CNTT lớn đầu tư vào các dự án CNTT nền tảng và Chính phủ thuê lại dịch vụ, khi có ngân sách đầu tư thì có thể mua lại.

Đối với lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, sự thịnh vượng của chúng ta phụ thuộc vào Internet, nhưng Internet lại không an toàn. Chúng ta làm cho Internet an toàn hơn tức là làm cho đất nước thịnh vượng hơn. Việt Nam chúng ta có cơ hội thành cường quốc về an ninh mạng và cường quốc an ninh mạng thì cũng giống như cường quốc quân sự trong thế giới thực. Việt Nam phải là cường quốc thì mới có hoà bình lâu dài, không ai đánh được mình. Cùng một vạch xuất phát với tất cả các nước, lại có nguồn nhân lực an ninh mạng vào loại tốt nhất trên thế giới, với khát vọng dân tộc hùng cường, với một giấc mơ lớn, tài nguyên vô tận trong não mỗi người Việt Nam sẽ được khai thác, và chúng ta có thể đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng, bảo vệ Việt Nam, bảo vệ hoà bình thế giới.

Năm 2019, phải bắt đầu từ việc tạo ra thị trường an toàn, an ninh mạng, các dự án đầu tư CNTT phải có hạng mục an ninh mạng; phát triển các doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam; giám sát chặt chẽ an toàn không gian mạng; đảm bảo an toàn mạng cho các cơ quan của Chính phủ và các hạ tầng trọng yếu quốc gia, mỗi cơ quan này phải có ít nhất một tổ chức hoặc một doanh nghiệp đảm bảo an ninh mạng; năm 2019 không còn xảy ra việc các mạng của cơ quan nhà nước bị đột nhập lấy cắp thông tin. Việt Nam phải trở thành trung tâm về an ninh mạng của ASEAN.

Nhà mạng Việt Nam phải dùng thiết bị Made in Vietnam nếu giá và chất lượng tương đương

Về lĩnh vực công nghiệp ICT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, công nghiệp ICT bao gồm công nghiệp phần mềm, công nghiệp phần cứng, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp nội dung số, công nghiệp về dịch vụ CNTT, công nghiệp an ninh mạng, và đặc biệt mới là công nghiệp 4.0. Việt Nam đang có cơ hội trở thành nhà sản xuất thiết bị điện tử viễn thông lớn của thế giới.

Thế giới về cơ bản chỉ còn 4 công ty sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông, gồm: Ericsson của Thụy Điển, Nokia của Phần Lan, Huawei và ZTE của Trung Quốc. Trung Quốc chiếm tới trên 60% thị phần, nhưng lại đang gặp khó khăn với Mỹ. Việt Nam hiện nay đã sản xuất được 70% các loại thiết bị viễn thông, với quyết tâm mức Chính phủ, chúng ta sẽ trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất và xuất khẩu được tất cả thiết bị viễn thông. Điều này chúng ta phải làm được trong năm 2019 - 2020. Các nhà mạng Việt Nam phải dùng thiết bị Made in Vietnam nếu giá và chất lượng tương đương. Đây là việc có ý nghĩa rất lớn vì hạ tầng của kinh tế số là mạng lưới viễn thông.

Đối với công nghiệp nội dung số, Bộ TT-TT đặt mục tiêu phải chiếm 20-30% doanh thu của các nhà mạng, nhưng hiện nay mới chiếm 6-8%, là tỷ lệ quá thấp so với các nước. Cơ hội tăng trưởng của nội dung số còn 3-4 lần, doanh thu có thể đạt 3-4 tỷ USD. Vấn đề mấu chốt để tăng trưởng ngành công nghiệp nội dung số là chính sách phải tạo sự phát triển cho lĩnh vực này, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới vào Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam phải cùng một chính sách quản lý, không bảo hộ ngược, tỷ lệ ăn chia với nhà mạng phải khích lệ công ty nội dung, hệ thống phân phối, thẻ nạp tiền của nhà mạng phải hỗ trợ thanh toán cho công ty nội dung.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, các công nghệ của công nghiệp 4.0 có thể được áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Vì vậy, phải có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam để thay đổi các lĩnh vực này bằng công nghệ, để đưa công nghệ công nghiệp 4.0 trở thành phổ cập. Bộ TT-TT sẽ thành lập bộ phận thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ, mà đầu tiên sẽ là các doanh nghiệp CNTT đi tiên phong trong lĩnh vực này.

CMCN 4.0 cũng đòi hỏi sự thay đổi chính sách để chấp nhận các mô hình kinh doanh mới do các công nghệ mới sinh ra. Bộ TT-TT đã được Thủ tướng giao hợp tác với Diễn đàn kinh tế thế giới để thành lập Trung tâm CMCN 4.0 tại Việt Nam và Trung tâm sẽ đi vào hoạt động năm 2019. Đây là trung tâm hình thành các chính sách cho CMCN 4.0 của Việt Nam.

Báo cáo của Bộ TT-TT cho biết, năm 2018, công nghiệp ICT tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu toàn ngành TT-TT với tốc độ phát triển nhanh, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn. Các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp ICT được định hướng để tạo nền tảng phát triển kinh tế tri thức, thực hiện CMCN 4.0, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, đảm bảo an toàn thông tin và chủ quyền số quốc gia.

Tổng doanh thu ngành công nghiệp ICT Việt Nam năm 2018 ước đạt 98,9 tỉ USD (năm 2017 là 91.5 tỷ USD), xuất khẩu ước đạt 94 tỷ USD. Trong đó, công nghiệp phần mềm có tốc độ tăng trưởng 13,8% với doanh thu ước đạt 4,3 tỷ USD, xuất khẩu ước đạt 3,5 tỷ USD. Số doanh nghiệp phần mềm khoảng 10.000 với 120.000 nhân lực.

Tin cùng chuyên mục