Phát triển Internet
(SGGP).- “Triển khai IPv6 là tất yếu, cần thiết và đây là con đường tiếp theo để phát triển internet trong thời gian tới”. Đây là ý kiến đồng thuận của các chuyên gia tại hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam do Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia và Trung tâm Internet Việt Nam tổ chức vào ngày 6-5 tại TPHCM.
Theo ông Michael Biber, quyền Chủ tịch diễn đàn IPv6 châu Á - Thái Bình Dương, nguồn IPv4 tại châu Á - Thái Bình Dương đã cạn vào tháng 4-2011, châu Âu là tháng 9-2012, Mỹ tháng 4-2014, châu Phi tháng 7-2020. Việc nhanh chóng gia tăng các thiết bị di động tại khu vực châu Á khiến lượng IPv4 sử dụng tăng lên nhanh chóng và cạn rất nhanh so với các khu vực khác trên thế giới. Với dự báo đến cuối năm 2013 lượng kết nối từ điện thoại thông minh và các ứng dụng từ nhiều thiết bị điện toán cầm tay khác sẽ lên tới 1,83 tỷ kết nối. Hiện tại mỗi ngày có tới 1,3 triệu thiết bị Android được kích hoạt. Sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị thông minh, hệ thống thông minh… cũng là một yếu tố bắt buộc phải đẩy mạnh phát triển IPv6. Đây là con đường duy nhất để phát triển internet trong tương lai.
Nhiều quốc gia đã thực hiện lộ trình chuyển đổi mạng lưới công nghệ thông tin của quốc gia mình với nền tảng IPv6, có nhiều ứng dụng cập nhật cho internet và điện thoại. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó nên với việc thành lập Ban hành động quốc gia về IPv6 và đưa ra kế hoạch hành động quốc gia IPv6 cho giai đoạn 2011 - 2019 đã nhằm từng bước chuyển đổi IPv4 sang IPv6 cho mạng quốc gia.
| |
Bá Tân