Nhân ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1-12), ông Steve Kraus (ảnh), Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã có cuộc trao đổi với báo chí về những thành công của Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh thế kỷ này. Ông Steve Kraus cho biết:
20 năm trước đây, HIV là một trong những căn bệnh khiến nhiều người tử vong và không có hình thức nào chữa trị hiệu quả. Nhưng hiện nay, chúng tôi được chứng kiến những tiến bộ đáng kể ở Việt Nam. Tỷ lệ nhiễm HIV đã chững lại và có ít người tử vong do HIV hơn. Điều quan trọng, Việt Nam đã nâng mức độ phòng chống HIV lên rất cao.
Chương trình phòng chống HIV quốc gia của Việt Nam đã có những thay đổi tích cực, thể hiện ở việc phạm vi người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư được giảm bớt, đặc biệt là trong những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục nam, gái mại dâm… Có được kết quả này do sự quyết tâm của Chính phủ, Bộ Y tế, người dân và các tổ chức xã hội ở Việt Nam.
* Tuy nhiên hiện nay vấn đề phân biệt đối xử với người có HIV vẫn là một rào cản lớn trong công tác phòng chống HIV?
Vấn đề nhạy cảm này không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Quốc gia nào giải quyết được, tỷ lệ lây nhiễm HIV càng thấp và ngược lại. Với những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, không nên sử dụng các biện pháp cưỡng chế hay dùng hình phạt, nên tăng cường việc đối xử, chữa trị. Tất cả bệnh nhân HIV đều có quyền tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và điều trị tốt nhất.
* Hiện nay, việc tiếp cận thuốc điều trị ARV cho bệnh nhân HIV vẫn còn nhiều khó khăn. Vậy thời gian tới UNAIDS sẽ có những biện pháp nào hỗ trợ Việt Nam?
Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ chữa trị, xây dựng các trung tâm chữa trị càng nhiều càng tốt để người bệnh HIV được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với ngành công nghiệp dược giảm bớt giá thành của thuốc ARV.
* Việt Nam cần làm gì để duy trì và phát huy những thành tựu đã đạt được trong việc đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS?
Khi nguồn ngân sách còn eo hẹp, phòng chống vẫn là cách sử dụng kinh phí hiệu quả nhất. Việt Nam có dân số trẻ, vì vậy Chính phủ cần tập trung tuyên truyền, cung cấp thông tin cho đối tượng thanh niên, giáo dục về giới và sức khỏe sinh sản trong trường học. Chúng ta cần quan niệm rằng ngân sách sử dụng phòng chống HIV/AIDS không phải chi phí mà đầu tư cho con người.
Nguyễn Quốc