Tại Hội thảo quốc tế “Biến đổi khí hậu: Tác động và ứng phó” vừa được Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với các Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Illinois Hoa Kỳ và Viện Bảo tàng tổng hợp quốc tế tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, trong tương lai gần, biến đổi khí hậu (BĐKH) sẽ tiếp tục tác động nặng nề đến người dân và các ngành, lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu ở Việt Nam.
Thảo luận về vấn đề “nóng” trên toàn cầu hiện nay, các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng đánh giá sự tổn thương và tổn hại lên con người của BĐKH là rất lớn. Những thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa, cường độ, tần suất bão và nước biển dâng do BĐKH sẽ dẫn đến các tác động về kinh tế - xã hội và môi trường. Các tác động này có thể là tác động trực tiếp hay gián tiếp, tích cực hay tiêu cực. Do đó, việc nhận định, đánh giá tác động của BĐKH đến con người và hệ sinh thái là việc làm cần thiết, để từ đó có thể tận dụng những cơ hội và chuyển hóa những thách thức từ BĐKH để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Các nhà cao tầng sử dụng nhiều năng lượng gây hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh: HUY ANH
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cũng cho biết, trong quá trình phát triển, BĐKH là một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống, đe dọa tới sự tồn vong của toàn nhân loại. BĐKH đã và đang tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới, làm thay đổi toàn diện, sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu như năng lượng, nước, lương thực, xã hội, việc làm, ngoại giao, văn hóa, kinh tế, thương mại. Theo kịch bản BĐKH, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam sẽ có thể tăng khoảng 2°C - 3°C, mực nước biển sẽ có thể dâng 1m. Khi đó, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển của Việt Nam sẽ bị ngập, khoảng 10% - 12% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp với tổn thất khoảng 10% GDP.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc, để hạn chế ảnh hưởng của BĐKH trên toàn cầu cũng như giảm thiểu thiệt hại cho chính mình, Việt Nam đang đi tiên phong trong việc ứng phó với BĐKH. Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cũng khẳng định, từ nay đến năm 2020, Việt Nam tiếp tục tích cực triển khai Chiến lược, chương trình, kế hoạch về ứng phó với BĐKH trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực. Thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH. Lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng cho biết, giai đoạn sau năm 2020, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ xem xét định kỳ, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của mình.
Ông Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cũng cho biết tác động của hiệu ứng nhà kính ở Việt Nam là rất lớn. Liên minh châu Âu sẽ hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề đối mặt và giảm thiểu những tác động do hiệu ứng nhà kính cũng như do BĐKH gây ra. Ông Phillip Kalantzis-Cope, Đại học Illinois Hoa Kỳ, cho rằng trong giai đoạn tới, Việt Nam cần phải tập trung vào một số giải pháp như xác định rõ những thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, bao gồm cả những cơ hội và thách thức do ứng phó với BĐKH khi thực hiện Hiệp định Paris; nhấn mạnh yêu cầu thay đổi hành vi và lối sống của toàn xã hội nhằm hướng tới hình thành mô hình sản xuất và thói quen tiêu dùng bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, đồng thời hình thành cho mỗi thành viên trong xã hội ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với BĐKH, qua đó giảm dần thiệt hại về người, tài sản. “Để làm được những vấn đề nêu trên thì vai trò của Chính phủ nói chung và chính quyền các cấp nói riêng là hết sức quan trọng”, vị này nhấn mạnh.
HÀ PHƯƠNG