Việt Nam và Liên hiệp quốc ký kế hoạch chiến lược chung giai đoạn 2017-2021

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kế hoạch được ký kết và thực hiện vào thời điểm Việt Nam bắt đầu triển khai kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
 
Lễ ký kết Kế hoạch chiến lược chung
Lễ ký kết Kế hoạch chiến lược chung
Ngày 5-7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng và Điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra đã ký Kế hoạch Chiến lược chung mới (OSP) cho giai đoạn 2017-2021 giữa Chính phủ Việt Nam và 18 cơ quan Liên hiệp quốc.
Kế hoạch với nhu cầu ngân sách ước tính 423 triệu USD, ưu tiên 4 lĩnh vực trọng tâm, được định hình dựa trên các chủ đề trung tâm của các mục tiêu phát triển bền vững (con người, hành tinh, sự thịnh vượng và hòa bình). Kế hoạch tiếp tục phát triển nền tảng cho việc mở rộng quan hệ đối tác giữa Liên hiệp quốc, Chính phủ, các đối tác tư nhân, các đối tác phát triển, các tổ chức và các nhóm phi chính phủ được thành lập hợp pháp. 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kế hoạch được ký kết và thực hiện vào thời điểm Việt Nam bắt đầu triển khai kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện. Cùng với các đối tác phát triển, Liên hiệp quốc có vai trò quan trọng hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình phát triển, hội nhập và tham gia mạnh mẽ vào sự phát triển chung của quốc tế thông qua việc cung cấp tư vấn, hỗ trợ chính sách cho Chính phủ Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam với các nước đang phát triển, giới thiệu những kinh nghiệm chuyên môn đảm bảo hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng xanh, bền vững, cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội.

Tin cùng chuyên mục