Viết tiếp những kỳ tích ghép tạng xuyên Việt

Một nam quân nhân 45 tuổi ra đi đã để lại sự sống cho nhiều người ở lại. Anh đã giúp đội ngũ y bác sĩ làm nên những kỳ tích mới trong y học Việt Nam là thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên từ người chết não và thực hiện ca ghép tạng xuyên Việt tưởng chừng như không thể.

Đó là thông tin được các bác sĩ đưa ra tại buổi họp báo về ca ghép tim và thận xuyên Việt diễn ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào sáng 19-3.

>> Video clip về ca ghép tim và thận xuyên Việt diễn ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy:

Theo bác sĩ (BS) Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, 2 bệnh nhân là anh N.Q.H. (29 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) và chị P.H.T. (25 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Thuận) nhận nguồn tạng hiến xuyên Việt từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) chuyển vào.

Trước đó, chiều ngày 26-2, khi Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được 2 tạng gồm 1 quả tim và 1 quả thận từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chuyển vào, ngay lập tức, các bác sĩ đã rà soát danh sách những bệnh nhân chờ được ghép tạng. Và đã có 2 bệnh nhân có độ tương thích cao với nguồn tạng hiến được cho nhập viện để sẵn sàng phẫu thuật ghép tạng.

“Rất may là cả người hiến tạng và người nhận tạng còn khá trẻ, độ tương thích miễn dịch cao nên sau ghép không xảy ra hiện tượng đào thải”, BS Phạm Thị Ngọc Thảo chia sẻ.

Viết tiếp những kỳ tích ghép tạng xuyên Việt ảnh 1  Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang tiến hành ghép tạng cho bệnh nhân

Để ca ghép được thành công, 2 đầu cầu phải tuân thủ theo hướng dẫn của điều phối, mọi thao tác khâu chuẩn bị phải nhịp nhàng, vì một giây, một khắc là vàng đối với bệnh nhân.

Theo PGS.TS Trần Quyết Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ chỉ có tối đa hơn 6 tiếng đồng hồ sau khi lấy tạng và di chuyển tạng hơn 1.700km vào TPHCM. Để bảo đảm được thời gian giới hạn này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phối hợp nhịp nhàng ở mức tối đa giữa cả nơi lấy và nơi nhận.

Theo đó, tim được lấy vào lúc 1 giờ chiều 26-2 và lên chuyến bay đi TPHCM vào lúc 2 giờ chiều. Hơn 4 giờ chiều, tim về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Bệnh viện Chợ Rẫy đã liên hệ với cảng hàng không hạn chế các thủ tục bình thường, đồng thời nhờ sự trợ giúp từ hai xe đặc chủng của lực lượng công an đưa trái tim được bảo quản về đến Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ trong vòng 15 phút và được đưa thẳng vào phòng ghép. Bác sĩ đã hoàn thành việc ghép quả tim cho chàng trai Tiền Giang chỉ với 25 phút.

“Ở nước ngoài người ta chỉ vận chuyển quả tim chỉ trong vòng bán kính 500 km, còn mình phải vượt hơn 1.700 km để chuyển quả tim. Nếu sơ xuất, máy bay trễ giờ, món quà kia sẽ đổ sông đổ biển. Trong lúc quả tim đã được đặt gọn gàng vào lồng ngực người nhận, chuyến bay mang quả thận cũng kịp về Sài Gòn. 19 giờ, cô gái được đưa vào phòng mổ, 21 giờ ca mổ ghép thành công”, BS Trần Quyết Tiến chia sẻ.

Và như một kỳ tích, cả 2 ca ghép tạng xuyên Việt đã thành công và mang lại sự sống cho 2 bệnh nhân đang dần tuyệt vọng. Hiện, 2 bệnh nhân được ghép tạng đang hồi phục tốt, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Viết tiếp những kỳ tích ghép tạng xuyên Việt ảnh 2 Hiện sức khỏe của chị P.H.T. đã ổn định và phục hồi tốt

Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy, mặc dù ngày càng nhiều người đăng ký vào danh sách hiến tạng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ cho việc ghép tạng vì số lượng người cần tạng quá nhiều, cung vẫn không đủ cầu. Hiện vẫn còn 20 bệnh nhân chờ được ghép tim và 70 bệnh nhân chờ ghép thận.

Mặc khác, việc tương thích về hòa hợp miễn dịch trong cho tặng tạng cũng là nhân tố quyết định ca phẫu thuật ghép tạng có được diễn ra hay không. Trên thực tế, có thể lấy được nhiều tạng để hiến cho nhiều bệnh nhân ở người cho tạng chết não. Nhưng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau 10 năm thực hiện ghép tạng, đến nay bệnh viện mới chỉ thực hiện được hơn 30 ca ghép tạng từ người cho chết não, chiếm 5% ca được ghép có tạng từ người cho tạng chết não.

Tin cùng chuyên mục