Viết tiếp về chiến tranh Việt Nam

Năm 2007, một người bạn Việt kiều ở Thái Lan có hỏi tôi: “Chiến tranh Việt Nam đã qua lâu rồi, có cần thiết phải viết hay không?”. Một câu hỏi dạng mở, nhiều hàm ý. Tôi không trả lời trực tiếp, chỉ tâm sự với ông về đời sống của tôi. Tôi nói cho ông biết chiến tranh đã qua lâu nhưng thỉnh thoảng trong giấc ngủ tôi vẫn nằm mơ bị phục kích, bị pháo bắn. Không ít lần tôi ngã lăn từ trên giường xuống.

“Tôi vẫn bị ám ảnh chiến tranh” - tôi cười, nói vậy. Hình như ông hiểu ý tôi, cũng cười và bảo: “Người trong cuộc bao giờ cũng hiểu rõ hơn người ngoài cuộc”.

Tôi không biết nhiều về lý luận văn chương, nghệ thuật nhưng tôi nghĩ rằng mọi vấn đề về đời sống con người không thể xa lạ với văn học, huống chi chiến tranh và hòa bình là vấn đề thiết yếu, cơ bản nhất của đời sống con người. Có ngày nào trên thế giới này không xảy ra chiến tranh.

Trong buổi giao lưu với sinh viên Đại học Duy Tân Đà Nẵng, có bạn trẻ hỏi tôi: “Cái hay của văn học viết về chiến tranh là gì?”.Tôi trả lời: “Chắc chắn không có một thực đơn cụ thể cho cái hay của văn học nhưng một tác phẩm hay phải có sức hấp dẫn người đọc: Đề tài chiến tranh có nhiều yếu tố tạo nên sức hấp dẫn. Vấn đề này tùy thuộc vào bản lĩnh sáng tạo của nhà văn”.

Thực ra, câu trả lời của tôi thuộc loại nói chung, nói mà không nói. Lý giải về sức hấp dẫn vừa đơn giản, vừa phức tạp, tùy thuộc vào nhận thức, thị hiếu cá nhân và xu thế cộng đồng. Quan niệm của riêng tôi cho rằng dù muốn hay không muốn, chuẩn mực của sự hấp dẫn là văn hóa. Từ xa xưa cho tới nay, không người nào chấp nhận thứ hấp dẫn phản văn hóa.

Với đề tài chiến tranh, chuẩn mực về văn hóa có yêu cầu cao hơn các đề tài khác. Đây là vấn đề nóng, vấn đề thời sự của nhân loại nên cái tầm văn hóa phải đạt đến tầm mức thời đại. Viết về chiến tranh để bảo vệ hòa bình và ngăn chặn chiến tranh. Văn học là sản phẩm của ý thức. Có thể người viết trong vô thức nhưng khởi đầu và xuyên suốt vẫn phải có ý thức về sản phẩm sáng tạo. Theo tôi nghĩ có 3 ý thức người viết phải có. Thứ nhất là sự thật. Sức hấp dẫn của sự thật là cao nhất. Người viết phải thể hiện chân thật bản chất sự thật. Sáng tạo là vô hạn nhưng không thể xa rời sự thật hay bóp méo sự thật. Thứ hai là ý thức nhân văn, bảo vệ quyền sống của con người, bảo vệ những giá trị đạo đức cơ bản của con người. Thứ ba là có ích cho đời sống hiện tại. Đây là vấn đề tồn tại hay không tồn tại. Từ xa xưa cho tới ngày nay, những tác phẩm văn học sống trong lòng dân chúng là những tác phẩm có ích cho con người. Không có ích, sản phẩm văn hóa sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng. Cái có ích trong tác phẩm văn học đã được khẳng định: “Nuôi dưỡng tâm hồn, nâng cao tri thức”. Với đề tài chiến tranh, điều có ích được nhận diện như sau: Nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu những điều cao đẹp trong đời sống và bồi dưỡng thêm kiến thức về xã hội, về kỹ năng sống của con người trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đặc biệt khốc liệt.

Theo độ lùi của thời gian, viết về chiến tranh Việt Nam ngày càng khó, rất khó. Chất anh hùng ca, bi tráng ca, cái giá phải trả cho chiến thắng, sự khốc liệt của chiến tranh đã được khai thác rất nhiều, khi viết rất dễ bị lặp lại hay sáo mòn. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, trầm tích của cuộc chiến tranh Việt Nam - cuộc chiến tranh nhân dân giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước còn rất sâu rộng, rất phong phú. Khai thác trầm tích ấy đòi hỏi tâm huyết, tài năng. Cho tới ngày nay và sau này, vấn đề chiến tranh ở Việt Nam vẫn là vấn đề nóng. Thế hệ chưa biết chiến tranh luôn có nhu cầu tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra trong chiến tranh, vì sao chiến tranh xảy ra và vì sao Việt Nam chiến thắng.

Có một điều tôi thấy, văn học viết về chiến tranh chưa khai thác, chưa nêu bật được giá trị trí tuệ trong chiến tranh. Chúng ta giành chiến thắng không chỉ bằng ý chí, lòng dũng cảm mà bằng trí tuệ lớn, trí tuệ nhân dân.

Để bạn đọc tìm thấy điều có ích trong tác phẩm viết về chiến tranh có lẽ dung lượng về tri thức, về kỹ năng sống cần phải tăng lên. Bạn đọc cần có những thông tin chân thật về kỹ năng sống trong hoàn cảnh không thể sống, tồn tại trong hoàn cảnh không thể tồn tại.

Nói tóm lại, đề tài chiến tranh Việt Nam rất cần được viết tiếp. Theo độ lùi của thời gian, áp lực về sự hấp dẫn càng lớn và theo luật định tự nhiên, áp lực càng lớn, sức bật càng mạnh. Tôi tin rằng, với tài năng và tinh thần dân tộc, thế hệ sau này sẽ viết tiếp về chiến tranh Việt Nam hay hơn.

Tin cùng chuyên mục