Sau 4 năm triển khai dự án kết nối sản xuất và phân phối, tiêu thụ nông sản VietGAP nhãn xanh (FAPQDCP) do Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA) tài trợ, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD, Bộ NN-PTNT) trao giấy chứng nhận VietGAP nhãn xanh cho 14 cơ sở sản xuất nông sản ở các tỉnh phía Nam. Bao gồm 3 trang trại, hợp tác xã rau quả; 5 cơ sở chăn nuôi heo an toàn và 6 cơ sở chăn nuôi gà an toàn. Ngay sau đó là lễ ký kết với khoảng 20 hợp đồng giữa các đơn vị sản xuất nông sản đạt chứng nhận VietGAP nhãn xanh với các nhà phân phối, tiêu thụ lớn ở TPHCM.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng NAFIQAD, dự án FAPQDCP triển khai ở Hà Nội, TPHCM, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bắc Giang và Tiền Giang. Hiện đã có 11 mô hình chăn nuôi heo, gà được chứng nhận VietGAP, là những mô hình chăn nuôi đầu tiên được chứng nhận từ khi ban hành tiêu chuẩn VietGAP về chăn nuôi năm 2008. Ngoài ra, còn có 12 mô hình chuỗi sản xuất - phân phối ngành hàng rau, trái cây an toàn được chứng nhận VietGAP. Quy trình của việc thực hiện VietGAP nhãn xanh mang tính khép kín từ nơi sản xuất tới bàn ăn, được triển khai rộng rãi từ các cơ sở sản xuất như nông dân, trang trại, các cơ sở sơ chế, đóng gói cho tới các đơn vị kinh doanh, phân phối tới người tiêu dùng như hệ thống siêu thị Saigon Co.op, siêu thị Big C, Metro, Lotte… kể cả cung ứng cho các bếp ăn, trường học, khách sạn. Nhiều sản phẩm rau, trái cây đã xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… Năm 2013 là năm cuối dự án FAPQDCP triển khai sẽ tập trung vào việc kết nối giữa nơi sản xuất với các kênh và hệ thống phân phối.
Trả lời câu hỏi về sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP thông thường có sự khác biệt nào với sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP nhãn xanh của dự án FAPQDCP, ông Tiệp cho rằng, mô hình rau, quả và thịt an toàn của dự án VietGAP nhãn xanh có sự siết chặt hơn những quy định tiêu chuẩn về chất lượng trong quá trình sản xuất mang tính kỹ thuật, không dừng lại ở việc chứng nhận chỉ nơi sản xuất đủ tiêu chuẩn VietGAP/VietGAHP mà còn hỗ trợ triển khai thực hành tốt (GMP) tại các công đoạn sơ chế, chế biến, giết mổ, đóng gói, bày bán ở các mô hình thí điểm. Bên cạnh việc đảm bảo an toàn, các mô hình còn phải sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, đảm bảo an toàn, phúc lợi cho người lao động và truy suất nguồn gốc sản phẩm.
Nói chung, tất cả các khâu trong chuỗi sản phẩm từ đồng ruộng đến bàn ăn đều phải đạt tiêu chuẩn VietGAP nhãn xanh. Giá bán của những sản phẩm này cao hơn sản phẩm cùng loại. Điều băn khoăn hiện nay là làm sao có thể giữ được những mô hình thí điểm và nhân rộng ra. Dự án chỉ còn 1 năm nữa là kết thúc, nếu không tìm ra mô hình hoạt động cho việc kết nối này thì dự án sẽ đi vào ngõ cụt.
Vấn đề này, ông Francois Coderre, Chủ nhiệm Khoa Quản lý thương hiệu, Đại học Sherbrooke, Canada trình bày kinh nghiệm của Canada trong hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà phân phối thông qua các hiệp hội như Hiệp hội Các nhà sản xuất dâu tây và quả mâm xôi ở Quebec, Liên đoàn Các nhà sản xuất thịt heo ở Quebec, cũng như chia sẻ một số bài học từ các mô hình tổ chức và quản lý thương hiệu tập thể. Tuy nhiên, để áp dụng vào thực tiễn Việt Nam sẽ không đơn giản.
Đăng Lãm