Triển khai từ năm 2010, đến nay hợp phần nội dung khuyến khích thực hành chăn nuôi trong vùng ưu tiên (vùng GAP) tại thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả, hứa hẹn sẽ là một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế đối với những hộ chăn nuôi heo. Xây dựng vùng GAP là một trong các tiểu hợp phần của Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) nhằm hướng chăn nuôi nông hộ theo lối phát triển bền vững đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Xây dựng vùng GAP - Tăng hiệu quả kinh doanh
Theo BQL Dự án Lifsap thành phố Hồ Chí Minh, đến nay đã triển khai thực hiện 2 vùng GAP là Củ Chi và Hóc Môn gồm 40 nhóm GAP với tổng số 848 hộ chăn nuôi, đã tổ chức 66 lớp tập huấn với trên 1.600 người tham dự. Hình thức chia nhóm này tạo điều kiện để các thành viên có dịp trao đổi kinh nghiệm trong kỹ thuật nuôi và giá cả thị trường, là tiền đề tạo ra chuỗi tiêu thụ sản phẩm sạch khép kín, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông thành phố Hồ Chí Minh kiêm Giám đốc dự án Lifsap Hồ Chí Minh cho biết: “Trước kia người chăn nuôi phải tự tìm hiểu hoặc thông qua chương trình tập huấn của Trung tâm Khuyến nông và Chi cục Thú y cách thức nuôi heo, cách phòng bệnh,… và ít có các chương trình hỗ trợ về cơ sở vật chất cho người dân. Tuy nhiên, khi dự án được triển khai, các nông hộ được tham gia các buổi tập huấn, đặc biệt là quy trình sản xuất heo an toàn, họp nhóm GAP trong vùng GAP của dự án để học tập kinh nghiệm lẫn nhau và nắm bắt thêm thông tin thị trường nên đạt hiệu quả kinh tế cao”.
Quy trình chăn nuôi heo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hầu hết nông dân khi tham gia tập huấn đã hiểu và nắm vững quy trình chăn nuôi heo an toàn, từ đó cải thiện điều kiện chăn nuôi và thay đổi tập quán chăn nuôi. Các chỉ số chăn nuôi của các hộ GAP áp dụng theo quy trình VietGAP đã được cải thiện rõ rệt, không còn dịch bệnh lớn trên địa bàn xảy ra: Tỷ lệ heo chết giảm từ 0,85% (2013) xuống còn 0,14% (2014, 2015); thời gian nuôi heo giảm: từ 119 ngày còn 105 ngày (2015); tăng trọng đàn heo của hộ VietGAP 0,7kg/ngày; giá thu mua heo hơi đối với các hộ có chứng nhận VietGAP cao hơn 1.000 - 2.000đ/kg so với các hộ không có chứng nhận VietGAP, tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi 20 - 23%.
Giải pháp phát triển bền vững
Cuối năm 2014, anh Tô Văn Bình ở ấp Phú Hiệp, xã Phú Hòa Đông, thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng quy trình chăn nuôi sạch và an toàn GAP đối với đàn heo nhà mình. Anh cho biết: “Hiện tại, nhà tôi có 80 heo nái, 600 heo thịt. Từ khi tham gia dự án tôi luôn được cán bộ tập huấn các kỹ thuật nuôi heo phù hợp nhất, vì thế đàn heo luôn khỏe mạnh, lớn nhanh và cho thu nhập cao, lợi nhuận mỗi con heo thịt đầu ra khoảng 400.000đ/con,... nên kinh tế gia đình cũng khá hơn rất nhiều”.
Đặc biệt, các hộ chăn nuôi cũng được tài trợ thêm từ dự án hệ thống xử lý môi trường phù hợp với quy mô chăn nuôi của mình như hầm biogas, hầm ủ phân compost, sửa chữa chuồng trại, vật tư chăn nuôi… góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng thông qua việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm khí phát thải nhà kính, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình và cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.
Ngoài việc thiết lập vùng chăn nuôi tốt VietGAP, BQL Dự án Lifsap thành phố Hồ Chí Minh còn hỗ trợ nâng cấp các cơ sở giết mổ, nâng cấp chợ thực phẩm tươi sống bảo đảm điều kiện vệ sinh, tạo chuỗi liên kết sản xuất và cung cấp thực phẩm sạch từ “trang trại” đến “bàn ăn”. Đến nay, 25 chợ thực phẩm tươi sống với quy mô hơn 1.257 quầy bán thịt phục vụ cộng đồng dân cư trên 200.000 người đã được nâng cấp và đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố.
N.B