VietGAP là quy chuẩn để sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng, an toàn, hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả cho người sản xuất... Đó là phát biểu của ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản tại Hội thảo hợp tác và kết nối thị trường sản phẩm thủy sản VietGAP do Tổng Cục Thủy sản, Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro VN) phối hợp tổ chức.
Kiểm soát từ vùng nguyên liệu
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, EU là thị trường khó tính với những tiêu chuẩn khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Vì vậy, việc có tới 447/567 nhà máy (NM) chế biến thủy sản quy mô công nghiệp đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường này, cho thấy năng lực của các NM. Thế nhưng khi ATVSTP trở thành điều quan tâm chung của mọi người, trong đó có nhu cầu của người dân trong nước, cũng như những quy định ngày càng nghiêm ngặt của EU, việc quản lý hay kiểm soát sản phẩm từ ngọn của các NM chế biến không còn hiệu quả. Vì vậy, việc quản lý ATVSTP phải chuyển từ kiểm soát thành phẩm tại NM sang các khâu sản xuất. Trong đó, quản lý từ ao nuôi đến trước chế biến trở nên quan trọng thay vì từ NM chế biến.
Do đó, việc xây dựng vùng nguyên liệu thủy sản VietGAP là yêu cầu tối thiểu phải đạt được. Nhưng với thực tế sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và chưa có thói quen ghi chép của nông dân sẽ là cản trở lớn. Nếu làm như cách hiện nay sẽ mất nhiều thời gian mới có thể đạt được chứng nhận VietGAP trên diện rộng. Do vậy, cần có những hoạt động mang tính liên kết, sử dụng nguồn lực xã hội như cách Metro VN đã làm khi xây dựng vùng nguyên liệu rau quả, thủy sản theo những quy định và quy chế cụ thể là điều cần ghi nhận. Nên chăng Tổng cục Thủy sản có thể điều chỉnh thêm để tiến tới việc công nhận vùng nguyên liệu mà Metro VN đã xây dựng theo tiêu chuẩn MetroGAP trước đây, nay là Metro Requirements đủ điều kiện là VietGAP.
Người tiêu dùng trong nước là đối tượng cần được quan tâm và đảm bảo ATVSTP, nên VietGAP trong thủy sản phải giải quyết nhu cầu này và cũng là tiền đề đáp ứng những tiêu chuẩn chuyên biệt của từng thị trường khác nhau. Vì vậy, theo ông Phạm Anh Tuấn, thời kỳ phát triển nhanh về số lượng đã chấm dứt, giờ đây là vấn đề chất lượng phải đảm bảo. Nói cách khác, người tiêu dùng thủy sản không chỉ cần thực phẩm an toàn, mà còn muốn biết sản phẩm đó được sản xuất như thế nào, môi trường có đảm bảo và có truy xuất được nguồn gốc hay không? Đó là những yếu tố tiến tới sự bền vững trong sản xuất thủy sản.
Băn khoăn kết nối
Điều băn khoăn ở đây là làm sao kết nối cho được những nông hộ sản xuất nhỏ với thị trường. Ông Như Văn Cẩn, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng cho biết, việc kết nối các bên tham gia trong chuỗi giá trị là điều quan trọng, quyết định sự thành công. Vì vậy, việc thực hiện VietGAP cũng phải thực hiện kết nối thị trường để khuyến khích người tiêu dùng ý thức hơn về sản phẩm VietGAP, qua đó tác động trở lại người sản xuất hướng tới VietGAP nhiều hơn, đặc biệt là các hộ nuôi nhỏ lẻ khó đáp ứng về cơ sở vật chất cũng như thói quen ghi chép nếu thiếu sự liên kết, ràng buộc.
Theo Tổng cục Thủy sản, nếu làm VietGAP để trông chờ bán giá cao hơn hay được Nhà nước hỗ trợ là không nên. Cần xem sản xuất đạt chuẩn VietGAP là yêu cầu cơ bản khi bán ra thị trường. Trước hết VietGAP tốt cho bản thân người sản xuất, hạn chế dịch bệnh nhờ môi trường được bảo đảm, hạn chế ô nhiễm, thị trường rộng mở. Vấn đề giá cao không phải lúc nào cũng thỏa đáng, khi người tiêu dùng yên tâm với sản phẩm chất lượng, tiêu thụ nhiều hơn sẽ mang lại hiệu quả cho người sản xuất. Đó chính là sự ổn định trong sản xuất mà nông dân mong muốn.
Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, VietGAP thủy sản là điều không thể chần chừ, là công cụ tốt cho quản lý, nếu chậm chân sẽ tụt hậu. Năm 2011, khi ban hành quy chuẩn VietGAP thủy sản chỉ các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tôm, cá tra nay sẽ được mở rộng ra nhiều mặt hàng khác. Nhưng làm như hiện nay sẽ mất nhiều thời gian. Sản phẩm theo quy chuẩn của Metro là kết quả của chủ trương hợp tác công - tư (PPP), khi Việt Nam chưa có VietGAP, vì vậy chúng tôi sẽ làm việc thêm với bộ phận PPP của Bộ NN-PTNT điều chỉnh thêm một số tiêu chuẩn để công nhận là VietGAP. Nhưng ông Tuấn cũng đề nghị, Metro VN muốn có vùng nguyên liệu bền vững và mở rộng hơn, nên kết nối thêm với hội nông dân các tỉnh.
Theo ông Philippe Bacac - Tổng giám đốc Metro VN, phối hợp với Bộ NN-PTNT, MetroVN chủ trì nhóm công tác thuỷ sản về dự án liên kết công - tư (PPP), cùng đối tác xây dựng Trạm trung chuyển cá tại Cần Thơ, trạm này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chuỗi thủy hải sản tươi sống khép kín đầu tiên, liên kết nhà nông với các kênh phân phối hiện đại, đảm bảo đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho nông dân, qua đó thúc đẩy thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và đảm bảo vấn đề ATVSTP cho người tiêu dùng. Dự án bao gồm các bước: Xây dựng tiêu chuẩn Metro Requirements về thực hành nông nghiệp; tổ chức huấn luyện tiêu chuẩn cho 250 nông dân; triển khai việc áp dụng tiêu chuẩn Metro Requirements tại trang trại; chứng nhận các trang trại đạt tiêu chuẩn; ưu tiên mua sản phẩm thủy sản các trang trại có chứng nhận Metro Requirements. |
CÔNG PHIÊN