Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam

Quốc tế đánh giá cao thành quả của Việt Nam

Việt Nam sẽ sử dụng hiệu quả hơn nữa vốn ODA
Quốc tế đánh giá cao thành quả của Việt Nam

Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG 2009) với chủ đề “Phục hồi tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững” đã chính thức khai mạc sáng 3-12, thu hút gần 500 đại biểu từ các cơ quan Chính phủ, nhà tài trợ, khối doanh nghiệp và cơ quan thông tin đại chúng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chào mừng các đại biểu dự hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chào mừng các đại biểu dự hội nghị.

Việt Nam sẽ sử dụng hiệu quả hơn nữa vốn ODA

Dự kiến, tổng vốn ODA ký kết cả năm 2009 đạt 5,85 tỷ USD. Đây là mức ký kết ODA cao nhất từ trước đến nay. Cũng trong năm 2009, Việt Nam dự kiến giải ngân khoảng 3 tỷ USD vốn ODA, tăng gần 59% so với năm 2008, là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.

Mặc dù vào cuối chiều 4-12 các cam kết chính thức về ODA cho Việt Nam trong năm 2010 mới được công bố, song những thông tin bước đầu từ các nhà tài trợ cho thấy, con số trên 6 tỷ USD là có thể đạt được. Nếu mức huy động hơn 6 tỷ USD trở thành hiện thực thì tổng vốn ODA ký kết cho thời kỳ 2006 - 2010 dự kiến đạt khoảng 20 tỷ USD.

Đó là thông điệp quan trọng mà người đứng đầu Chính phủ Việt Nam gửi tới các nhà tài trợ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vui mừng thông báo với các nhà tài trợ những thành tựu khá toàn diện của Việt Nam trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế chịu tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với hệ quả của các biện pháp kiềm chế lạm phát thực hiện trong năm 2008, khắc phục thiên tai dịch bệnh…

Theo Thủ tướng, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2010 đối với Việt Nam còn rất nặng nề và nhiều khó khăn thách thức. Thủ tướng hoan nghênh hội nghị lần này tập trung thảo luận các chủ đề rất thiết thực đối với Việt Nam như về đánh giá tình hình và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tái cấu trúc nền kinh tế; cải cách doanh nghiệp nhà nước; giảm nghèo bền vững; cải cách hành chính; hiện đại hóa dịch vụ công; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng chống tham nhũng...  

Thông qua hội nghị, Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được sự trợ giúp thiết thực của các nhà tài trợ, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trong việc ứng phó với sự đe dọa nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tái khẳng định, sự trân trọng đối với nguồn vốn ODA và bảo đảm thực hiện các cam kết với trách nhiệm cao với các nhà tài trợ để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.

Khuyến cáo từ cộng đồng các nhà tài trợ

Đồng chủ tọa hội nghị với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định: “Cộng đồng quốc tế ghi nhận, Việt Nam đã vượt qua những khó khăn thách thức, tránh được những tác động tiêu cực do suy thoái kinh tế toàn cầu và đạt được mức tăng trưởng khá”. Bà đề nghị các nhà tài trợ, đại diện các tổ chức quốc tế thẳng thắn đánh giá về tình hình cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trước những thời cơ và thách thức mới của tình hình kinh tế thế giới trong thời gian tới; góp phần chung tay cùng Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo cho Việt Nam ngày càng là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài...

Ngành dệt may có tốc độ tăng trưởng cao trong tháng 11. (Ảnh: May veston xuất khẩu tại Tổng Công ty cổ phần May Nhà Bè chiều 3-12-2009). Ảnh: Cao Thăng

Ngành dệt may có tốc độ tăng trưởng cao trong tháng 11. (Ảnh: May veston xuất khẩu tại Tổng Công ty cổ phần May Nhà Bè chiều 3-12-2009). Ảnh: Cao Thăng

Với nhận xét tổng quan “Việt Nam đã đương đầu với cuộc khủng hoảng toàn cầu tốt hơn so với nhiều nước khác”, bài phát biểu của ông Shogo Ishii (Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF) đã có những phân tích sâu sắc về triển vọng kinh tế Việt Nam. Đại diện IMF cho rằng, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 6% trong năm 2010 trên cơ sở xuất khẩu và FDI hồi phục dần. Lạm phát có thể sẽ tăng từ 7% trong năm 2009 lên mức 2 con số. Tuy nhiên, thách thức lớn hơn cả với Việt Nam, theo chuyên gia này, là cán cân thanh toán.

Ông Shogo Ishii khuyến cáo Việt Nam thắt chặt hệ thống chính sách tiền tệ và khôi phục có trật tự các điều kiện của thị trường ngoại hối song song với việc thực hiện chính sách tài khóa một cách linh hoạt theo hướng giảm thâm hụt ngân sách.

Ông John Hendra, điều phối viên Liên hiệp quốc tại Việt Nam lưu ý đặc biệt đến công cuộc cải cách thủ tục hành chính đang được tiến hành. Liên hiệp quốc mong sớm được nghe báo cáo về thí điểm không tổ chức HĐND tại cấp quận, huyện và phường. Đây là một sáng kiến mang tính đổi mới cần được theo dõi chặt chẽ vì nó có khả năng tạo nên thay đổi lớn trong tổ chức hệ thống hành chính công của Việt Nam.

Một nội dung khác được ông John Hendra và nhiều nhà tài trợ bày tỏ quan tâm liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu. “Cần áp dụng nguyên tắc phòng ngừa trong tầm nhìn và các kế hoạch lâu dài, có thể ngay trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020”, ông John Hendra khuyến nghị.

  • Ông AYUMI KONISHI, Giám đốc ADB tại Việt Nam: Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội

Theo tôi, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh và hiệu quả để giảm thiểu những tác động xấu của khủng hoảng kinh tế. Một bài học quan trọng cần rút ra là việc thực hiện chính sách an sinh xã hội tốt. Đây là giải pháp then chốt nhằm hạn chế những tổn thương do khủng hoảng kinh tế đem lại.

Liên quan đến các dự án ODA, tôi cho rằng tình hình giải ngân đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, với sự gia tăng nhanh chóng các cam kết mới, vấn đề của Việt Nam vẫn là làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Về phía Chính phủ, cải cách hành chính công, bao gồm cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm, cải cách quản lý tài chính công, cải cách dịch vụ dân sự, cải cách thủ tục đấu thầu… đều quan trọng và cần thiết. Cộng đồng các nhà tài trợ và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mong muốn được nhìn thấy hiệu quả rõ nét hơn từ những cải cách này.

  • Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam MITSUO SAKABA: Hỗ trợ các dự án giao thông lớn

Mặc dù có một số trục trặc trong thời gian qua, nhưng phía Nhật Bản tin rằng tình hình thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản đang được cải thiện ngày càng tốt hơn. Dự kiến, trong tháng 2 tới, Nhật Bản sẽ hoàn thành thủ tục cấp vốn cho một số dự án đường giao thông lớn và Khu công nghệ cao Hòa Lạc của Việt Nam. Đây là những dự án sẽ thực hiện trong nhiều năm nên chưa thể nói chi tiết, nhưng có thể nói vốn ODA mà Nhật cam kết dành cho Việt Nam trong năm tài chính tính đến hết tháng 3-2010 lên tới 1,6 tỷ USD.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục